Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Thư gởi anh Đại Tá

Xin mot lan noi ve Tango  

 (hình minh hoạ)

Hôm qua trong buổi dạ vũ lấy tiền giúp anh em mới sang, tôi biết anh “Đại Tá” có ý giận tôi, và cũng vì chuyện  này đêm qua tôi cũng trằn trọc khó ngủ. Trong lúc mọi người vây quanh anh, một đại tá, hai đại tá thì tôi cũng dùng chữ anh để gọi “đại tá” và xưng tôi. Mặt anh tối sầm lại, tôi thấy rõ, mặc dù đêm vũ trường lúc đó đã tối. Phải nói xung quanh đây toàn là em út của anh cả, và ở đây anh là người có cấp bậc cũ trong quân đội lớn nhất. Lẽ cố nhiên anh cũng hãnh diện vì giờ này thiên hạ còn gọi cấp bậc của anh. Biết đâu có người cao hứng đã gọi anh là Chuẩn Tướng cũng nên. Qua đây để nhớ tiếc một thời vang bóng, người ta đã phong hàm, phong tước cho nhau rất nhiều. Thiếu úy thì xưng là Đại úy, Đại úy thì giới thiệu là Thiếu tá. Thiếu tá thì gọi là Trung tá. Thậm chí Trung sĩ được gọi là cựu sĩ quan.

<!>

Trước hết tôi không muốn gọi anh là Đại tá, vì như vậy buộc anh phải gọi tôi là Đại úy theo hệ thống quân giai và đúng vai đúng vế, mặc dù tôi biết anh có thói quen gọi tôi lại bằng chú, chú em và đôi lúc cao hứng gọi mày xưng tao, trong khi lúc nào, trước kia tôi cũng nghiêm trang gọi anh bằng Đại tá.

Nếu giờ này, mà tôi còn gọi anh là Đại tá mong anh cũng thông cảm cho, đó là điều quá ư lạc hậu. Hoặc tôi sẽ gọi anh là Thiếu tướng, Trung tướng hoặc Thống tướng, hoặc là tôi sẽ gọi chính danh là cựu Đại Tá. Nhưng ba chữ cựu Đại tá để nói về ngôi thứ ba, còn đối diện với anh mà gọi chữ cựu e không ổn.

Tôi không bao giờ quên cái ngày ấy, khi ở đâu trên phi trường, với một cái “samsonite” đầy của quí trong tay, anh đã gọi điện thoại về đơn vị cho các em út, phòng thủ chỗ này, báo cáo chỗ kia. Máy bay sắp cất cánh rồi mà anh còn nói “tôi kẹt chút việc, sẽ về đơn vị ngay.” Thế là đơn vị tin anh không bỏ chúng tôi, đơn vị tử thủ chờ anh về. Gọi điện thoại như thế với kiểu chỉ huy bằng điện đàm, nếu có lật được thế cờ và anh chưa ra khỏi nước, tôi chắc ngôi sao đầu tiên sẽ gắn lên cổ áo anh là cái chắc.

Trên máy bay anh thở phào nhẹ nhõm nhìn lại, điểm mặt vợ con, hành lý, hàng hóa, tài sản tích lũy không thiếu một thứ gì. Anh tùy viên và sĩ quan tài chánh của anh, hai người mà anh quý nhất trong đơn vị cũng đã lên máy bay rồi. Lo cho em út như vậy là quá chu đáo. Trong khi anh nhìn mây Thái Bình Dương bồng bềnh ngoài cửa sổ, chờ đèn no smoking vụt tắt, châm một điếu thuốc hít một hơi sảng khoái, thì ông Lê Minh Đảo cùng Sư Đoàn 18 đang quần nhau với Cộng Sản ở ngã ba Xuân Lộc, chận hậu cho anh rút đi an toàn. Trong khi anh ngồi trên hàng không mẫu hạm, chắc chắn một trăm phần trăm anh đã thoát khỏi đất nước rồi thì Sàigòn được giải phóng (!). Miền Nam bàng hoàng nhìn những chiến xa quân cụ VNCH được cởi bởi những anh chàng áo xanh, nón cối, dép râu và ngỡ ngàng trước một sự thật hầu như vô lý đang diễn ra.

Trong khi anh đặt chân đến mảnh đất tự do hoàn toàn, dù đó là Guam, là Midway và “hạ mình” chịu khó xếp hàng lãnh thực phẩm thì em út các anh đang xếp hàng dưới báng súng AK, lưỡi lê lên tàu sông Hương đi đày ra Bắc.

Ngay khi trực thăng chở anh chị và các cháu rời mặt đất, anh không còn là cấp chỉ huy của tôi nữa, đừng nói gì đến hai chữ “lãnh đạo”. Bây giờ sau 15,16 năm gặp nhau đây thật quá ngỡ ngàng. Trong tôi nếu còn giữ lại là chút tình huynh đệ chi binh anh là huynh trưởng. Gặp nhau đương nhiên cũng tay bắt mặt mừng. Tha hương ngộ cố tri gặp nhau ai lại không mừng. Quê hương đã xa xôi, gặp người quen biết cũ như chồng đi xa về gặp vợ. Cố tri, đương nhiên rồi, anh và tôi đã biết nhau quá rõ.

Thế mà nỡ lòng nào vì hai chữ danh xưng của một tước vị đã cũ, anh lại hờn giận tôi.

Người ta hoặc là có dĩ vãng, hoặc là có hiện tại, hoặc là có tương lai. Chúng ta qua đây, phần đông đã lỡ làng. Hiện tại chẳng ra gì, tương lai hưởng chút tiền già nhờ cậy con nên anh còn quá tiếc nuối, đánh bóng, đóng khung dĩ vãng và cho đó là một thời vàng son.

Anh quên mất cái tình, vịn vào cái lý và quên rằng thời gian đã quá xa, không gian đã thay đổi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng là đã quý, quý giá gì một chút danh xưng. Ở đất nước người, Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Đại tướng … lúc rời chức vụ rồi còn sáng giá, còn được quần chúng hâm mộ … Ở xứ mình, sao như cái tủ khi đẩy ra khỏi chỗ để dọn nhà, còn để lại bao nhiêu rác rưởi, bụi bặm trên sàn.

Nhà văn Phan Khôi đã ví von các tay sống lâu ra lão làng chẳng khác gì cái bình vôi vứt lăn lóc dưới gốc đa, được người ta lạy lạy quì quì nhưng thật sự chẳng ra tích sự gì. Bây giờ đây là hiện tại, hội họp đình đám bao giờ anh em cũng dành cho anh một chỗ danh dự. Danh dự đó cũng không phải là chỗ của cấp chỉ huy, xin anh đừng mang ảo tưởng.

Anh cũng đừng lẫn lộn huynh trưởng với đại ca. Huynh trưởng còn có anh có em. Đại ca là danh xưng trong giới giang hồ. Tôi sợ anh muốn được nhận quyền lợi của một đại ca nhưng chưa tròn được trách nhiệm của một đại ca trong giới giang hồ.

Muốn sống với hiện tại, tôi muốn anh cũng như tôi quên đi dĩ vãng. Anh đừng vội gán ép cho tôi cái tội quên tổ quốc, quê hương, đồng bào. Quên  đây là quên cái cấp bậc của anh, tước vị của anh cũng như của tất cả chúng ta thôi. Vì trong việc tạo lập cuộc sống mới ở xứ người, khư khư ôm lấy cái “lon lá” quả là có nhiều trở ngại.

Anh cũng như tôi phải xếp hàng chung với mọi người từ khi anh xuống sân bay. Đừng bắt mọi người phải dang ra nhường chỗ cho anh như trước kia có quân cảnh, an ninh dẹp đường cho anh. Chính vì những chuyện như vậy mà hôm nay chúng ta mới phải gặp nhau ở đây. Tôi nói phải, không biết ý anh ra sao, còn tôi, thú thật, quả là chuyện bất đắc dĩ.

Điều làm cho tôi và bạn bè của tôi, những người glà em út của anh buồn phiền, xấu hổ nhất là những dự tính về tương lai của các anh. Ra đi, anh là người đầu tiên. Về, anh lại tính chuyện đi trước. Anh lại muốn ăn trên ngồi trốc, muốn chỉ huy, muốn lãnh đạo, muốn cầm quyền. Không có tham vọng làm cho dân giàu nước mạnh, anh chỉ có tham vọng nắm lại quyền hành.  Anh nghĩ là anh đã là đại tá anh sẽ ít nhất cũng là đại tá. Anh là tổng thống đương nhiên sẽ là tổng thống hay đổi danh xưng là chủ tịch là cùng.

Xin anh đừng gắn liền dân tộc, quê hương, tự do độc lập với chế độ. Và chế độ với các chức vụ đại tá của anh. Phục hồi tự do, độc lập chưa phải là phục hồi chế độ. Phục hồi chế độ không có nghĩa là phục hồi cấp bậc cho anh. Dân chúng hiện nay chán nản chế độ Cộng Sản, hoài vọng một thời tự do sung sướng trước kia không phải là khao khát có anh, khao khát một ông tổng thống cũ về cầm quyền ngồi lại trong dinh Độc Lập.

Bao nhiêu năm qua cũng đủ luận công xét tội. Chúng ta có những người mới, có những công việc mới trong một hoàn cảnh mới. Nếu anh còn chút tâm huyết với quê hương, đất nước, muốn đóng góp một chút gì cho quê hương đất nước khi đất nước đã là một đất nước không còn Cộng Sản, thì xin anh trước hết anh hãy quên cá nhân anh đi. Câu trên tôi viết chữ nghiêng là để anh hiểu cho: lúc này mà anh muốn đóng góp, chia ghế, cầm quyền… thì theo tôi quả là một điều hổ thẹn, nếu anh còn biết hổ thẹn.

Sau này trong công trình xây dựng, cứu vãn, phục hồi đất nước, nếu có những người mới, nhất là lớp trẻ đủ kiến thức, khả năng, thiện chí đứng ra đảm đang xin anh hãy đứng ra đóng góp với họ. Anh đừng vì danh vị của anh mà từ chối ngoảnh mặt làm ngơ, cho rằng chỗ đó không xứng đáng với địa vị cũ của anh. Càng khiêm nhường chừng nào thì danh dự của anh càng cao. Anh đừng đòi hỏi cầm lấy một vai trò to lớn, tương đương với chức vụ cũ của anh. Anh cũng đừng đòi hỏi một địa vị cao hơn, danh dự hơn kiểu cố vấn bình vôi như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng để đảm nhận sau khi trải qua gần nửa thế kỷ cầm quyền vẫn chưa hết lòng ham muốn; mục hạ vô nhân coi như trên đời này không ai tài giỏi bằng họ. Nói theo kiểu mỉa mai, là họ đòi “hy sinh” thêm nữa. Họ hy sinh lâu chừng nào thì dân tộc điêu linh, khốn khổ thêm chừng đó.

Nếu cần cho đại sự, nếu cần cho đất nước, xin anh hãy đừng đòi hỏi đi đầu, đứng trước. Xin anh hãy làm một người bình thường, một security guard trong đời sống chẳng hạn, để cho lớp trẻ, để cho những người có tài năng, đức độ rảnh tay gánh vác việc cứu nước và xây dựng đất nước.

Thưa Anh “Đại Tá”, anh chỉ là một trong các anh của chúng tôi. Cũng có thể là tôi đã thưa anh “thiếu úy,” “trung úy.” Cũng có thể thưa anh “Tổng thống,” “Bộ Trưởng,” “Nghị Sĩ,” “Dân Biểu.” Tôi vẫn quý các anh, trước sau các anh vẫn là anh, là huynh trưởng của tôi. Đã mười sáu năm qua, tôi chưa quên được những gì đã xảy ra trên đất nước chúng ta, trong đó khuôn mặt các anh lúc nào cũng nổi bật từng nét trong tâm khảm tôi. Tôi đã đau đớn, xót xa và giờ đây là hổ thẹn chứng kiến những gì đã xảy ra.

Ra đi, tôi thật mong mỏi được tái ngộ cùng anh, nhưng cuộc gặp gỡ đầu tiên là làm tôi thất vọng, mệt mỏi. Mất mát nhiều hơn gặt hái, buồn phiền nhiều hơn vui vẻ. Tôi đã quên đi những ngày tháng cũ, những gì anh đã gieo thất vọng, chán ngán nơi tôi để tìm lại những niềm tin, những hy vọng mới.

Thưa anh “Đại tá,” tôi biết tin cậy gì nơi anh, thì rồi đây các trẻ con cháu chúng ta nhìn anh, nghĩ về anh ra sao, khi anh đã hy sinh để lãnh đạo quá khứ, tham lam lãnh đạo hiện tại và còn muốn ôm đồm lãnh đạo cả tương lai.

Xin thành thật cám ơn Anh,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét