Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Đọc Nước Mỹ Lạnh Lùng của Huy Phương Feb 13, 2004 - Bùi Bích Hà


Nhà báo Vũ Ánh có lần đã đưa ra nhận định sau đây khi nói về hình thái sáng tác của văn học hải ngoại: “Ngày nay, những nhà văn viết tạp ghi được kính trọng như những người sống thật với cuộc sống.”Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định thẳng thắn và thực tế này. Với ít nhiều chủ quan của một người bị giới hạn bằng những cảm xúc do tiếp cận môi truờng mà có, xin quí vị tha tội mạo muội nếu tôi thưa rằng, hơn bao giờ hết trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, ba bốn thập niên cuối thế kỷ 20, đất nước và con người Việt Nam đã chứng nghiệm một thời điểm đầy rẫy những nỗi bi thương, những thảm kịch hằn sâu vết tích trên thân thế, khiến cho khuynh hướng đi tìm những giá trị siêu hình to lớn ngoài đời sống, nơi những nhân vật hư cấu trong văn chương, phải tạm thời lui bước, nhường sân khấu cho những con người thật, khóc cười bằng chính hình hài, thể xác và tâm hồn họ.
<!>
Có thể nói, nhà văn viết tạp ghi không làm cái công việc tường thuật khô cứng của người phóng viên báo chí đứng bên lề sự kiện, cũng không làm cái công việc sáng tác tỉnh táo, hoa mỹ, khách quan, của nhà đạo diễn phim kịch đứng ngoài nhìn vào tác phẩm, dùng tài năng sắp xếp, biện luận những cảnh ngộ họ mô tả, mà họ sống, thở,ø lăn lộn và vùng vẫy trong những cảnh ngộ ấy, mỗi con chữ là một mảnh thịt da bị thương tích, bầm dập, sưng tấy, bóc ra nóng hổi, rớm máu và có khi cả... bốc mùi. Cho nên không lạ khi độc giả ngày nay thích đọc tạp ghi hơn tiểu thuyết vì đây đó, chỗ này chỗ kia trong tạp ghi, người đọc tìm thấy chính họ, bạn bè, người quen và những tình huống, trong đó, mọi người phải đối mặt từng ngày.

Nước Mỹ Lạnh Lùng của Huy Phương là một trường hợp. Ông viết về cảm giác vong thân của một người tỵ nạn mất quê hương, nỗi nghẹn ngào buồn tủi của những bước chân thất lạc nơi miền đất mới, những va chạm chua xót giữa lòng người và tình đời ấm lạnh, nước Mỹ tự do nhưng mỗi công dân lương hảo của nước Mỹ là người tù không có ân hạn vì nợ áo cơm và nhiều ràng buộc khác...Thiên đường như nắm cỏ ai trớ trêu treo trước miệng ngựa chạy...(Thiên Đường ở Đâu?trg 47), tâm tư khắc khoải về nguồn cội và quá khứ, sự phản bội của cấp lãnh đạo trong biến cố 75, những mâu thuẫn nội tại của hai nền văn hoá Âu Á, những khó khăn trên hành trình hội nhập... Phải nói ngay là đôi mắt sắc bén, cảm xúc tinh nhậy, bản chất trung thực của Huy Phương đã không bỏ sót một nét chính nào trong cuộc sống nhọc nhằn với nhiều tiếng cười khô không lệ của ông và qua ông, của những mảnh đời lưu lạc quanh đây. Nội dung đa dạng vừa nói được ông trình bày với một văn phong duyên dáng, ý nhị, nhiều lúc chua chát nhưng lúc nào cũng thấm đẫm chất người, là yếu tố hình thành cốt lõi không thể thiếu trong tạp ghi.

Theo quan điểm của tác giả Nước Mỹ Lạnh Lùng khi ông trả lời báo chí phỏng vấn về hai chữ Tạp Ghi mà ông đã lựa chọn để gọi tên đứa con đầu lòng ở hải ngoại: “ Tạp ghi là hình thức ghi lại những sự việc gần sát với đời thường, không đặt nặng phần văn chương hư cấu hay sáng tác”, đọc Huy Phương, với 295 trang sách gồm 49 đoản văn, người đọc lẽo đẽo theo ông qua những chặng đường chung cho cả một thời, trải dài suốt nhiều thập niên đầy biến động giữa thế kỷ 20 tới đầu thế kỷ 21, từ khi ông còn là một cậu bé suốt ngày lang thang trên những cánh đồng làng, tắm sông, bắt dế, thả diều cho đến khi trở thành người bại binh của thời cuộc, những đêm mùa đông buốt giá, thân ve, bụng lép, trăn trở trên những vạt tre già, những ngày lên rừng, xuống nương, thất thểu với gốc cây rừng, bó nứa oằn vai, tự nhủ thầm, phải sống mà về, và cuối cùng, như một con nước đã đi quá xa nguồn, qua sông, ra biển, là con chim đã quá đường bay, tự hỏi có còn chăng một nơi chốn để về? Độc giả được nhìn thấy một Huy Phương phơi bày hết nỗi lòng ông, chân thật, tha thiết, không mầu mè tô vẽ, không núp bóng nhân vật của mình, không được kỹ thuật hư cấu che chắn, vội vã, sôi nổi ôm lấy những sự thật tầm thường, chấp nhận mở cửa những vùng tâm linh ẩn khuất thường là niềm kiêu hãnh riêng của một người, như thế chỉ để đổi lấy chút vui thỏa của chia sẻ, của trang trải, chút khao khát được thấu hiểu, chỉ để đổi lấy chút tình tri kỷ cũng mong manh và rủi may như mọi chuyện khác trên đời, chẳng biết có hay không giữa cõi trần gian mênh mông này?

Huy Phương đã sáng tác từ những ngày còn rất trẻ. Chàng trai đi học nghe chim hót, ông viết văn, làm thơ trong lớp. Con đường của văn chương thường bay bổng. Nhà văn thường có ước mơ cướp quyền Tạo Hóa, đọc hay viết ra định mệnh của đời người, tạo dựng thế giới bằng năng lực của sáng tạo và sức mạnh của lòng đam mê. Thế nhưng rời khỏi nhà trường, cuộc chiến tranh quốc cộng đã lập tức cuốn ông vào dòng nghiệt ngã, từ đó, trong vai trò Tổng thư ký cho tờ Chiến Sĩ Cọng Hòa, bám sát trận địa, bám sát những cánh tay, những bước chân đồng đội, ông có khuynh hướng dấn thân trong cuộc nhân sinh nhiều hơn. Tâm hồn nhậy cảm của một người cầm bút nơi ông được nung nấu trong ngọn lửa thiêu đốt của thời đại, trở thành một khối thủy tinh long lanh, trong suốt, phản chiếu mọi vật trên đường lăn của nó. Mỗi va đập của đời sống, dù thoảng qua, cũng dễ dàng làm ngân lên trong lòng ông những cung bậc, lúc tươi vui, lúc trầm thống, để ông ghi xuống, mời gọi người nghe. Có thể nói nơi Huy Phương, viết tạp ghi đã trở thành một bản năng.

Để mở đầu cuốn sách, với “Giả Ơn Cái Cối Cái Chày”, tác giả tự nhìn ngắm và định vị ông với lòng biết ơn vô hạn, mọi thành tố và duyên nghiệp đã tạo nên toàn bộ con người và cuộc sống của ông: cha mẹ, thầy cô giáo và thiên nhiên bao dung, bạn và thù, tình yêu và thử thách, những bài học như những tấm mề đay hai mặt mà hẳn là kinh nghiệm máu xương đã cho ông sự khôn ngoan để nhận biết và ứng xử. Cõi an toàn cuối cùng của ông là trời đất, cỏ cây, những vật vô tri vô giác luôn gần gũi bên tôi, là sự im lặng của cảm thông, để ông được tự do, chan hoà, dàn trải lên chúng, gởi vào đó, tâm cảm của riêng ông.

Từ đấy trở đi, ông là người lúc nào cũng ướt trong vũng nước cuộc đời (chữ của thi sĩ Du Tử Lê), hầu như không một sự việc hay cảnh tượng mắt thấy tai nghe nào trong dòng sống hằng ngày không ghi lại dấu vết trong cảm xúc của ông, mặt này thực tế, mặt kia suy tưởng, để ông đem trang trải cùng người đọc. Cô bé quàng khăn đỏ bị sói lừa ăn thịt trong truyện cổ tích tây phương và tuổi thơ Việt Nam ngày nay dưới móng vuốt chủ nghĩa xã hội; Tạo vật biến hóa khôn lường, nương dâu hóa thành biển cả, tình đời ấm lạnh và cái xương cụt thậm thụt lúc thòi ra, lúc thụt vào ở hậu môn; Cô bé bán diêm trong đêm mùa đông giá buốt của Anderson và một người Việt Nam ly hương lạc loài đi giữa con đường đầy tuyết phủ, không có lấy chút ánh lửa tàn đủ để sưởi ấm niềm tin; Người mới sang Mỹ nhọc nhằn, lênh đênh, vất vả, thua kém người đi trước nhưng hơn chán vạn cái thời da bọc xương trong trại cải tạo, hình hài chỉ cân nặng có 38 kilô chưa trừ bì, thấy củ sắn thèm rơi nước miếng; Thiên đường Hoa Kỳ, niềm hân hoan ngắn ngủi, sự mệt mỏi của đỉnh núi bị chinh phục và địa ngục Việt Nam vừa rời bỏ là những thực tế khó chấp nhận, ông nghiệm ra thiên đường ở trong lòng người, là cái ông đang có được sửa sang lại. Những liên tưởng lan man của Huy Phương nhiều khi là nụ cười rất ngộ nghĩnh, cái ngộ nghĩnh khiến người đọc cười theo ông xong thì im bặt vì thấy đau: Ở Mỹ, không ra khỏi qui luật, chúng ta đã trở thành các “ động vật có bốn bánh”mất rồi! (tr 105). Ở trang 70, ông viết: “Chết ở Yên Báy, Lạng Sơn là rẻ nhất, chẳng tốn đến một chén cơm cùng quả trứng. Anh chọn nằm xuống ở nơi này thì chắc chắn cái chết cũng hơi đắt đấy!”Đến đây thì Nước Mỹ Lạnh Lùng quả đã đóng băng nụ cười của tác giả trên một khuôn mặt thản nhiên, phẳng lì như gạch ngói, như xi măng, dù là ông đang nói tới một điều quá đỗi hệ trọng và đau lòng của đời người: sự chết. Cũng từ đây cho đến cuối cuốn sách, người đọc thấy mất dần một Huy Phương gắn bó với quá khứ, đa cảm, trào lộng, vài khi chua xót. Ông không còn rụt rè chơi đùa với những cái mề đay hai mặt nữa. Ông nghiêm chỉnh đặt vấn đề (Nhớ Nghĩa Trang, Quê bạn bè) Ông gay gắt kiểm điểm (Nỗi Buồn Giải Phóng) Ông nêu câu hỏi (Về Cái Chết Của Bà Bích Câu) Ông phê phán sự tiêu cực (Tính Khinh Người) Thực tế đời sống ở đây khiến ông ngày càng ý thức hơn vị trí của mình và cảm nhận những ràng buộc mới, những sợi dây cột không bằng tơ trời óng ả bay phơ phất trên những cánh đồng tuổi thơ mà bằng cước, bằng thép, cứa vào tâm thế lênh đênh của đờøi tỵ nạn, đánh thức khả năng phản kháng như một chứng tỏ hiện hữu nơi ông trong khi ở nhiều người cầm bút khác, quá trình chuyển đổi lột xác này không dễ dàng.

Một cách rất chung, con người chịu tác động của môi trường nơi nó sinh sống. Ở đây, dưới những ảnh hưởng nghịch lý của hoàn cảnh bị tách rời quê hương, giữa buổi giao thời, người cầm bút càng nhâïy bén, dễ bị khích động hơn với những tác động ấy và họ thấy mình đứng trước sự lựa chọn: nhận lấy tính hợp lý của nước Mỹ(mà Huy Phương gọi là Nước Mỹ Lạnh Lùng), trở thành một cơ phận của bộ máy vĩ đại nước Mỹ hay từ khước nó, thậm chí phản kháng lại, để giữ lấy hoặc tạo ra bản sắc riêng, cũng tùy. Có lẽ ở quãng đời này, sau những kinh nghiệm đắt giá bên bờ tử sinh của các trại cải tạo, Huy Phương thấy mình hạnh phúc sống cùng đám đông, thở hơi thở của mọi người, tuy đầy phiền trược nhưng nó là thực tại sinh động, gần gũi và không kém phần quyến rũ. Dẫu sao, lựa chọn viết tạp ghi trong trường hợp ông, tôi thiển nghĩ, đó là sự hy sinh lớn của tác giả, cho một điều lớn hơn: tình yêu con người, linh vật yếu đuối, đầy nhược điểm, khổ đau vì lấm láp trong dòng đời với nhiều hệ lụy.

Con đường văn học luôn là con đường tìm kiếm và khai phá, biết đâu sau thời gian ông đắm mình vào thế sự, làm chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử điêu linh, vuốt ve cho nguôi vết thương lòng mình và lòng người, sẽ có lúc một bình minh khác sẽ mở cửa cho một lên đường mới, sẽ có lúc những cơn gió khác sẽ dấy lên khát vọng sáng tạo của một nhà văn luôn có khả năng vượt qua những giới hạn chật chội của đời thường và vươn tới vô hạn, để ông sẽ lại cất cánh trên những đường băng mới, sẽ lao vào tìm kiếm những giá trị đích thực, sâu sắc và bền vững hơn của đời người, biết rằng ngoài những buồn vui dễ dàng nhìn thấy trên sân khấu, còn một vùng hậu trường khuất lấp và chính ở nơi này mà hạnh phúc và khổ đau, những bi kịch của nhân loại diễn ra hằng ngày cần được soi chiếu.

Quận Cam, 12/03.
BÙI BÍCH HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét