Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

Người Mới Sang - Tạp ghi Huy Phương

 

 

 

 

 

 Nhân một buổi họp mặt tại nhà người bạn sống ở Mỹ đã lâu, một vài người chưa quen biết, sau khi biết tôi chỉ vừa qua Mỹ vài tháng, đã tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thế mà hồi nãy tới giờ tôi cứ tưởng anh qua Mỹ đã lâu!”  Lẽ cố nhiên những người này chỉ mới quan sát mình qua bề ngoài và câu nói đó có tính cách khẳng định: những người mới qua Mỹ chỉ có thể là những người “thân thể thì ốm đói, mặt mày xanh xao, áo quần xơ xác”, một người khác thường không thể nhầm lẫn được. Sống với Việt Cộng, cả tù trong lẫn tù ngoài 15 năm mà chưa xương bọc da, người chưa hóa ngợm kể cũng lạ.Mới qua Mỹ vài hôm, người đang dật dờ giữa ngày và đêm, tâm hồn đang còn hoang mang giữa đi và ở, thực và mộng thì một người bạn điện thoại đến hỏi thăm: “Sao thấy thế nào, trong người ra sao?”  Mình cứ thật thà kể lể là người cứ chao đảo, ăn không ngon, cứ như nửa tỉnh nửa mê.  Người bạn này bèn quạt cho một hồi: “Người ta vượt biển chịu đói khát, đày đọa, gặp bao nhiêu hiểm nghèo, chết sông chết biển … mới qua được đây.  Còn anh, đi máy bay, có tây đầm túc trực hầu hạ, cơm bưng, nước rót mà  còn than vãn nỗi gì!”

<!> 

Trong vòng bà con cũng có lúc có người thăm hỏi: “Sang đến đây, anh thấy thế nào!”  Mình than: “Qua bây giờ là quá chậm.  Con cái 25, 30 cả rồi quá tuổi vào high school, khó vào đại học!  Kinh tế down khó kiếm việc làm!  Làm culi thì quá già, làm thầy thì quá dốt!  Chưa biết sao đây, nhưng thôi cũng ráng!”  Ông cậu thân mật giảng giải:  “Anh biết ở Việt Nam hiện có bao nhiêu người đang chờ để có được cái diễm phúc như anh là đặt chân lên đất Mỹ không?  Gần một triệu người đã nộp đơn xin đi … nhưng đủ điều kiện hay gần đủ điều kiện thì may ra chỉ có 20%.  Chương trình ODP ta cứ tạm gọi chương trình bảo lãnh thân nhân danh sách đã đến F, G…mà chờ phỏng vấn cứ dài cổ ra, có người ở danh sách C, D mà giờ này chưa ai hỏi han đến.  Còn H.O. mới phỏng vấn đến H.O 8 mà danh sách Việt Nam gởi cho phái đoàn Mỹ ở Bangkok đã lên đến H25, 26.  Mỗi danh sách từ 8 đến 10 ngàn người đi cho đến bao giờ mới hết.  Sống trong tuyệt vọng ai lại không hy vọng.  Chỉ béo bở cho công an ngoại vụ, dịch vụ, ra xuất cảnh đã tiền, lên danh sách gởi phái đoàn Mỹ lại tiền, từ danh sách thấp lên danh sách cao lại tiền, từ ODP qua H.O lại tiền.  Nếu bây giờ anh còn ở Việt Nam thì anh sẽ thấy điều anh qua được đây là hạnh phúc rồi, còn những vấn đề khác có gì mà phải bàn!”

            Tôi cũng như những anh chàng lạc quan khác cứ cho rằng mình đi H.O là bảnh lắm.  Có anh làm như ta đây là công thần, không chiến sĩ cũng anh hùng, Yên Báy, Bắc Thái, Hàm Tân có khác chi khách sạn Hilton, qua đến nơi thì từ trên máy bay thảm đỏ trải dài đến tận xe bus, có quân nhạc, có cờ vẫy.  Tôi cũng chế ra nào H.O là viết tắt chữ “humanitarian operation,” có anh lại cãi:  “H.O là viết tắt hai chữ High Officer,” bạn mình toàn là sĩ quan cao cấp cả ở tù trên 3 năm, cũng phải thôi!”  Có anh lại mỉa mai:  “Bọn mình là Homeless Object (HO) một lũ không nhà, tướng tá chạy cả rồi, Cộng Sản không dung nạp, kỳ thị, bây giờ già rồi cũng ráng đi cho con cái được nhờ thôi.”

            H.O viết tắt của hai chữ thì cũng chẳng có văn thư nào xác nhận, toàn là do các bạn tôi suy đoán (1).  Mà danh sách này là do phía VN đưa cho Mỹ ở Bangkok chứ không phải do Mỹ đặt ra.  Mới đây khi Nam Trân phỏng vấn ông Flemming giám đốc ODP thì mới vỡ lẽ ra là danh sách H.O trở đi gọi là H.11, H.12, H.13 … Tôi như trên trời rớt xuống vì điều dễ hiểu nhất:  chữ O là con số 0 mà thôi.  Cũng như người ta gọi C.09, C.08 hay D.01, D.02 vậy thôi.  Thôi đành quên cái “officer” của tôi đi mà đi điền đơn xin việc.

Có lúc quên bẵng chuyện mình, gặp anh em bạn bè cứ tâm sự:  nào lo nghĩ, nào sợ không việc làm.  Có người nói như mắng vào mặt:  “Các anh qua lúc này mà khổ nỗi gì, mâm cỗ người ta dọn sẵn cứ việc ngồi vào ăn. Hồi 1975 bọn tôi qua đây cái gì cũng phải mò mẫm, sponsor là người Mỹ, mở miệng không ra, đâu có dám hỏi dám nói như các anh bây giờ.  Bọn tôi đi bộ mà tìm việc làm dưới trời lạnh. Vợ chồng con cái, bảy tám người nhét vào một phòng. Xin welfare thì sợ mất sỉ diện. Hai năm sau mới mua được cái xe hơi 500 bạc. 

Ở trại định cư thèm trái cam không có ăn. Các anh đừng thấy chúng tôi bây giờ nào nhà, nào xe, con cái kỹ sư, bác sĩ mà thấy dễ. Chúng tôi trầy vi tróc vẩy mới được như vậy. Bây giờ các anh có Mỹ nuôi 1 năm, có bạn bè anh em giúp đỡ hướng dẫn, có cộng đồng Việt Nam để sinh sống.  Ngay cả tôi hồi trước cứ nghe điện thoại, đằng kia nói tiếng Anh là toát mồ hôi ra. Các anh qua bây giờ nghề nghiệp còn chọn lựa trước kia chúng tôi làm mửa mật ra, có ngày cắt cả nghìn cái cổ gà, có ngày rửa chén bát suốt 10 tiếng đồng hồ không lê chân nổi về nhà.” Tôi chỉ có việc nhìn chăm chú vào đôi mắt người thuyết giảng và cám ơn rối rít.

Mới sang ai cũng có đôi lúc phân vân nhất là những người tuổi còn dưới bốn mươi: “Tiếp tục đi học hay kiếm việc làm?” Có người con cái đều đạt hạng khoa bảng khuyên: “Anh nên cho các con anh tiếp tục học và ngay chính anh cũng phải đi học tiếp. Ở Mỹ không có bằng cấp làm việc cực suốt đời. chỉ cực vài ba năm rồi sau đó tha hồ mà sung sướng!”

Có người lại bảo: “Các anh qua bây giờ là quá chậm, tiếng Anh chẳng bằng ai, sức khỏe không bằng Mễ, Mỹ đen … thôi thì kiếm việc làm gì một giờ năm ba đồng cho qua ngày chờ… lãnh tiền già lương hưu là quý lắm rồi.” Cô cháu nói: “Chú già rồi, chọn nghề Real Estate hay làm Loans Officer là hợp nhất!” Ông bác khuyên:  “Rải giấy đi cắt cỏ là tự do nhất!” Người hàng xóm bảo:  “Tôi có nghề này hay lắm, ông mua một cái truck cu cũ, vào các shopping, thùng rác nhặt thùng carton, ve chai đi cân kílô mỗi ngày cũng kiếm được 50 đồng.” (Ôi năm chục đồng một ngày, tháng 30 ngày nghe hấp dẫn quá!”

Gặp cậu học trò cũ: “Thầy già rồi, có lẽ thầy nên kiếm một chân gác-dan (security), về đêm càng nhiều tiền.  Già rồi, ngủ ngáy chẳng bao nhiêu làm nghề này là nhất.” Tôi liên tưởng đến mấy ông gác-dan  Ấn Độ, hàm răng và đôi mắt trắng dã ở đường Hàm Nghi, Tôn Thất Thiệp, Chợ Cũ… chắc suốt đời không biết nhắm mắt. Tôi đang bị bệnh mất ngủ, giá kiếm được một chân gác-dan thì chắc tốt, nhưng không biết bên Mỹ này ma có nhiều hơn ở bên nhà không?  Mà gặp ma Mỹ, không biết nói tiếng Mỹ có gì trở ngại không? 

Tôi có một người em họ nhỏ tuổi hơn tôi nhiều. Trước kia khi chỉ thấy tên tôi nằm trên hộp thư tòa soạn của một tờ tuần báo đã khâm phục tôi lắm, nay khuyên tôi:  “Anh qua đây, đã lớn tuổi rồi, lại viết lách quen, đi làm báo là sướng nhất. Anh làm cả chủ nhiệm chủ bút, thư ký đánh máy, quản lý, loong toong, một mình một chợ.  Anh muốn viết gì thì viết, vẽ rồng vẽ rắn bao nhiêu cũng được, kể cả đăng ảnh gia đình anh lên báo và viết bài khen vợ con anh.  Anh muốn chửi ai cũng được, nhưng chửi vừa vừa kẻo chửi quá lời, chúng uất quá pằng cho một phát là đi đong. Anh chết rồi là hết, chẳng ai cần tìm ra thủ phạm làm gì. Muốn báo quảng cáo nhiều thì anh phải khen tuốt luốt, mà phải khen thằng có tiền.” Cậu em họ tôi sau một sáng kiến cho tôi hy vọng làm chủ báo, lại dọa tôi rồi khuyến khích tôi.  Sau cùng anh kết luận:  “Nhưng chị nhà còn trẻ đẹp không, nói tiếng Anh giỏi một tí càng tốt. Đi quảng cáo mà già cọp, cóp róp như anh lại là đàn ông nữa thì còn lâu mới có được một phần tư trang. Quảng cáo tiệm phở thì phải lấy tiền quảng cáo bằng phở trừ cơm, quảng cáo hớt tóc thì phải hớt hàng tháng thay vì lấy tiền.” Vợ tôi đã quá già, hom hem, nhan sắc làng nhàng. Nếu thuê một cô thư ký trẻ đẹp để ngoại giao quảng cáo thì chỉ có nước chết đói và chết … đuối. Thế là mộng làm báo coi như dẹp qua một bên.

Tôi mon men hỏi một anh bạn làm báo: “Nếu tôi không làm chủ báo full-time mà part-time viết dăm ba bài kiếm bạc lẻ trả tiền điện, tiền nước, điện thoại có được không?” Anh bạn tôi ra vẻ thương hại, nói thẳng với tôi: “Báo ở đây chỉ nuôi sống may ra là ông bà chủ nhiệm, chủ bút kiêm tùy phái, tiền đâu mà trả nhuận bút cho ông. Mà dù bài ông có hay mấy đăng có tiền thì cũng chẳng đăng làm gì. Người ta đọc là đọc quảng cáo, ai thèm đọc bài ông. “Người ta” đây là các doanh gia đã bỏ tiền quảng cáo, đọc xem có đúng số nhà, số điện thoại của người ta không, xem ảnh người ta có rõ ràng có sắc nét không? Hiện nay báo tôi đang “bỏ chợ,” lúc nào bán được sẽ mời ông cộng tác thường xuyên. Ông cứ để số điện thoại lại cho tôi.”

Lại một hôm có dịp tôi hỏi một ông bạn già:

“Ở Việt Nam, tôi đánh máy giỏi lại có kinh nghiệm làm văn phòng, nếu như tôi xin đi làm thư ký văn phòng thương mại hay phòng mạch bác sĩ có được chăng?” Ông bạn già tôi cười ngất: “Anh có nói tiếng Anh giỏi như mấy em tốt nghiệp high shool ở Mỹ không? Anh có nhan sắc mơn mởn, giò dài không, có trẻ không? Mà tôi quên anh là đàn ông mà! Ai lại đi thuê anh làm thư ký?” Tôi hỏi thật anh: “Nếu như anh làm bác sĩ, luật sư hay giám đốc, có chọn thằng bạn già trứng cá đầy mặt này, làm thư ký không, hay anh tuyển toàn  các em trẻ đẹp phây phây, õng ẹo cho mát mắt anh mà cũng mát mặt khách hàng lúc tắt gió! Anh tự suy nghĩ đi rồi tìm câu trả lời, vì sao anh không thể làm nghề thư ký được.”

Ở Sàigòn, sau 1975, tôi có anh bạn làm ba nghề. Lúc hàn vi làm nghề vá xe đạp ở lề đường. Khi đã bảnh bao, anh làm nghề viết thư mướn ở bưu điện và cố vấn cho bà con làm sao rút gọn vài chữ trong bức điện tín, để đỡ đi vài nghìn đồng, phần anh chỉ xin năm trăm. Lúc lõi đời anh làm nghề chẻ tiền nhanh như chớp, đưa cho người ta năm chục nghìn đồng về nhà đếm lại chỉ còn hai nghìn rưỡi.

Qua Mỹ anh như con cá nằm trên cạn, bao nhiêu sở trường sở đoản của anh coi như vứt bỏ. Nghề vá xe đạp, bà con cũng hiểu là đây không có đất dụng võ. Nghề viết đơn mướn ở Việt Nam còn bịp được thiên hạ với mớ tiếng Anh ăn đong của anh, qua đây là xứ của tiếng Anh, là đất của Lỗ Ban anh đâu dám múa búa. Còn nghề chẻ tiền thì ở đây mua một cái quần jean có mấy chục, xòe ra có mấy tấm, không như ở thành phố “bác Hồ” phải khuân cả bó bạc lấy gì mà chẻ. Anh ta than van: “Cuộc sống ở đây khó thực!”

Lại nói về nghề nghiệp, một chiến hữu nay là bác sĩ đã thân mật khuyên tôi: “Anh em qua đây khá đông, tuổi phần lớn đã già, lại học hành dở dang, tôi biết anh em khó nghĩ. Những người đi trước, nhất là social worker, đều khuyên anh em đi học ESL, rồi học nghề. Không có ESL, không có học nghề thì những tổ chức hướng nghiệp, xã hội coi như bỏ, thất nghiệp. Tôi biết các anh đã đổi đời hai lượt, tất phải khó khăn. Nhưng tôi khuyên các anh, dù ít dù nhiều phải ráng mà vào đại học.

Vào đại học, gặp thầy gặp bạn tức là học Anh ngữ rồi. Có nghề hai năm có thể làm technician, lương khá cao. Học được khá hơn thì nghề nghiệp thăng tiến hơn. Không lẽ suốt đời anh đi làm những việc tay chân mãi sao.  Tuổi về hưu ở Mỹ bây giờ là 67 chứ không phải 65 như anh tưởng.  Anh phải sống 12 năm nữa mới được lương già.  Vậy anh phải vào đại học, ít lắm là hai năm hay dài hơn, cao hơn nữa. Rồi còn phải làm gì cho đất nước nữa chứ!”

Tôi biết ông thương người, mong mỏi anh em mới qua thành đạt cũng như ông, đã từng cực khổ đi học lại tương đương high school, rồi vào đại học, ra bác sĩ.  Nhưng phần tôi, tôi thấy quả là khó khăn trước một mớ vợ con đùm đề, bill tiền nhà, tiền điện, tiền bảo hiểm … Chắc khó có thể yên tâm mà dùi mài kinh sử được nữa. Tôi chỉ mong mỏi sao có được một nghề lương khoảng 5, 6 đồng một giờ cộng thêm tí benefits nữa là mãn nguyện rồi.

Trước những ý kiến, lời khuyên, dạy bảo … của bà con, bạn bè chiến hữu, đồng hương … quả là đôi khi tôi thấy lùng bùng lỗ tai.  Những ý kiến này, tất cả đều vì thương tôi là “người mới sang” mà góp ý, có khi những ý kiến này chơi lại nhau mà tôi không đủ sức đo lường, phán đoán.  Tuy nhiên, trên đời này còn hai chữ tuy nhiên.

Tôi đã ở tù trong cái mà người ta gọi là trại-tập-trung-cải-tạo 7 năm, thời gian trung bình so với người không ở tù ngày nào và với những người ở tù 12 năm hay đang còn ở tù. Tôi đã có lúc cân chỉ còn 38 kg với mớ da bọc xương.  Tôi đã có lúc đói meo thấy củ sắn mà chảy nước miếng. Tôi đã có lúc “lao động” kiệt sức suốt ngày mà tối về chỉ được ba củ khoai, trong đó có một củ hà.

Tôi đã có lúc xuống hầm cầu tiêu hốt phân bắc, nôm na là hốt cứt của bọn cai tù. Tôi đã có lúc đi qua nhà dân thấy bếp lửa nhà ai mà thèm không khí gia đình ấm cúng. Tôi đã có lúc quằn quại trên chõng tre vì bệnh nặng mà chỉ có mấy ngọn lá rừng vò nát làm thuốc. Tôi đã có lúc muốn đâm thằng đội trưởng tàn ác với chiến hữu mà hèn nhát không dám đâm. Tôi đã có lúc muốn treo cổ tự tử vì nhục mà xót vợ con, không làm. Tôi đã có lúc muốn hóa thành con chó, con mèo, con chim cho đỡ khổ.

Xưa kia ở trong trại tù tôi chỉ dám mơ ước ra tù, cuốc đất trồng khoai, được ăn ngày ba bữa khoai, không tính đến mấy củ khoai hà. Xưa kia, ở trong trại tù cuốc bộ mười hai cây số với một gánh ngô trên vai tôi thấy thèm địa vị của chàng bộ đội đi xe đạp …

Bây giờ thế này, tuy là “người mới sang”, nhưng ước ao đã toại nguyện, nay người ta sống được thì mình sống được, rồi ra đâu cũng vào đấy, lo lắm cho nhọc xác...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét