Pages

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2021

QUẢNG TRỊ, THÀNH PHỐ XƯA CHỈ CÒN NGHE TÊN CŨ - Gởi Điệp yêu dấu,

 “ Thành phố thân yêu vừa chiếm  lại đêm  qua bằng máu”.

Thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu ấy chính là Quảng Trị trong mùa hè lửa đỏ 1972. Máu của các chiến sĩ Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Bộ Binh, Thiết Giáp thật sự đã đổ ra trên những vùng đất La Vang, Thạch Hãn, Trí Bưu, Đông Hà để giành lại những vùng đất đã đổ nát không còn nhà còn cửa, không còn cây còn cối, không còn đường còn phố, không còn cả một con sông vì bom đạn, đất cát đã lấp đầy. Nói chi đến con người. Con người Quảng Trị đã phân tán, lưu lạc tứ xứ không phải chỉ từ mùa hè đỏ lửa mà từ những biến cố trên quê hương trước đây.

<!>

Quảng Trị sau 20 tháng 7 năm 1954 đã banh da, xẻ thịt của mình làm đôi trong nỗi đau chia cắt của cả đất nước. Xưa sông Gianh đã rền tiếng sóng oán hờn chia cắt Bắc Nam của thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Bến Hải ngày đó đã là tiếng kêu thống thiết của nỗi đau phân chia. Bên kia giòng sông, lá cờ đỏ màu máu phủ cả đất nước miền Bắc. Cả một dãy xóm làng quạnh hiu không một bóng người lai vãng. Bên kia là Gio Linh, Cửa Tùng với những hàng dương đơn độc trên những trảng cát dài mịt mùng sương khói, hay là không khí mù mịt, thù hận bưng bít.

 Năm 1958-59, trường Trung học Nguyễn Hoàng của Quảng Trị chưa có được một lớp Đệ Tam, sĩ tử đệ nhị cấp Quảng Trị phải vào Huế tiếp tục tìm chút chữ nghĩa y như học trò trong Quảng ra thi. Ngày ấy, phải nói là cận đại mà học trò đến trường vẫn còn phải đi chân đất, lội bộ từ Sải, Hải Lăng, Long Hưng… đến sân vận động Quảng Trị, nơi ngôi trường công lập vừa mới xây cất xong. Mùa đông gió lạnh như cắt, mưa dầm dề, đường sá lầy lội; nhìn những em học sinh mặc những bộ áo quần màu sắc tăm tối, chân đất, tơi lá đến trường, lòng thầy cô giáo không khỏi bùi ngùi. Mùa hè, cơn gió nam Lào nóng bỏng thổi về đất Quảng Trị. Gió đem theo cát bụi mịt mù thổi rào rào trên những mái nhà tôn. Những cây đèn sáp trên bàn thờ thắp dang dở đổ gục xuống. Con người khô khốc, trăn trở trên những tấm phản gỗ tẩm mồ hôi. Cơn gió Lào Quảng Trị đến đúng hẹn không bao giờ trễ, và con người ở lại chịu đựng không có một chỗ nào để trốn tránh.

 Quảng Trị quả có một sắc thái riêng, đó là một thành phố nghèo nàn, khốn khổ nhất trong các thành phố nghèo của đất nước. Một cái chợ, hai ba dãy phố. Buổi chiều đi dăm bước đã về chốn cũ. Ngày ấy, con đường Trần Hưng Đạo là một đại lộ, có hai nhà sách nhỏ nằm gần như đối diện, đó là nhà sách Lương Giang và Sáng Tạo mà mỗi buổi chiều các bạn công chức xa nhà thường đến tìm mua mấy tờ báo hay nói vài câu vẩn vơ với cô hàng sách. Hầu hết những căn nhà, ngôi phố đều dược xây dựng từ hồi Pháp thuộc. Dân mới đến định cư hoặc trở về sau chiến tranh thì dựng những ngôi nhà vách gỗ, mái tôn làm cho Quảng Trị những ngày hè như hun thêm sức nóng. Dân cư phần lớn là công chức, học sinh và những gia đình buôn bán nhỏ. Hội An còn có chùa Cầu, Bồng Sơn còn có bóng dừa, riêng Quảng Trị không có sắc thái riêng, nó giống như một quận lỵ nào đó mà ta thường thấy ở miền nam. Thạch Hãn, mồ hôi của đá, cái tên nghe qua đã khiến cho ta nghĩ tới một miền đất cằn khô, nắng cháy.

Năm 1972, Quảng Trị là mảnh đất địa đầu, chiến tuyến đắm mình dưới bom đạn tơi bời. Quảng Trị đã bỏ ruộng vườn nhà cửa, chạy dạt về phương Nam, và xương máu đã bỏ lại trên đường số 1, quốc lộ huyết mạch mang cái tên lịch sử Đại Lộ Kinh Hoàng. Từ một vùng phi chiến, Gio Linh, Đông Hà đã trở thành nơi mỗi thước đất là một thước kim loại của vũ khí, là nơi thấm máu của những người giữ đất và giành đất. Vùng phi chiến cũng là nơi trao trả tù binh lúc ngưng tiếng súng, với những đôi mắt nhìn nhau thù hận không nguôi. Quảng Trị chịu đau trước nhất trong cái đau của dân tộc, thịt da bị vằm nát, bị chà đi xát lại. Những thành quách dày hơn hai thước, kết nối bằng hàng triệu viên gạch đã bị san bằng. “Không có một viên gạch nào còn nguyên vẹn.!” Đó là cổ thành Quảng Trị sau những cơn ác chiến, đó là cái tiếng tăm hung dữ mà người ta đã biết đến qua những bản tin chiến sự, qua những trang cáo phó và còn ở lại trong lòng ngýời quả phụ, cô nhi mà thân xác của ngýời thân ðã vụn vữa, chôn vùi trong gạch đá ngổn ngang.

Khi ngọn cờ vàng đã được cắm lại ở một nơi nào đó trên đống gạch nát Cổ Thành thì thành phố Quảng Trị thực sự đã bị xóa mất. Nhìn vào bức không ảnh, tôi không còn nhận ra đâu là tường thành, đâu là bờ hồ, đâu là con đường Trần Hưng Đạo. Dòng sông Thạch Hãn chỉ còn lại một vết mờ loang lổ! Gạch đá chen chúc nhau tạo nên những vết tối, làm nên những chiều sâu trên bức không ảnh. Tôi tìm lại đâu đó những chiều lang thang qua Nhan Biều, những sáng về thăm Sắc Tứ. Tôi tìm lại đâu đó tuổi thơ leo qua bờ thành đi hái cây lồng đèn và hái bông ngũ sắc. Tôi tìm lại đâu đó cái tháp chuông Trí Bưu giăng đèn đêm Chúa ra đời, tìm đâu thấy ngôi chùa tỉnh nhìn ra lưu vực sông Thạch Hãn rộng mênh mông với những đêm phóng đăng rực rỡ ngày nào. Quảng Trị  đâu còn có giây tơ trời bay mùa thu giăng mắc, Quảng Trị đâu với những giây tơ hồng mọc trên cửa ngõ nhà ai.

Từ đó không ai về đất Quảng Trị nữa. Đó không còn là mảnh đất Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân của Chúa Nguyễn Hoàng xưa kia. Người ta ngậm ngùi nhìn về quê cũ, nơi đó chẳng còn gì mà về, chẳng còn gì mà trở lại, chẳng còn ai mà thăm viếng. Phải chăng nơi đó chỉ còn mồ mả cha ông, có nơi bom đạn để thoát, mà cũng có nơi mả lạc mồ xiêu. Rồi đâu cũng là quê hương. Người ta gặp người Quảng Trị ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Saigon. Tiếng nói mới nghe qua không thể nhầm lẫn, nhưng người Quảng Trị đã đi quá xa vùng quê hương đổ nát.

Tháng 5-1975, đất Quảng Trị đã thành đất quê hương của lãnh tụ. Trên quê hương đổ nát đó, người ta đã gầy dựng lại được gì ngoài một bến xe bụi bặm, vài con kinh thủy lợi bất chấp địa hình địa vật chạy ngang dọc trên thành phố cũ. Lần này Quảng Trị đã mất đất lại mất tên: Quảng Trị biến thành một quận lỵ của Bình Trị Thiên, cái tên tỉnh nổi danh một thời vì đôi dép lốp.

Sau những năm tháng tù đày, từ miền Bắc tôi trở về miền Nam, rồi ra Trung để làm một chuyến hành hương về chốn cũ. Huế của tôi như một nàng tôn nữ gá duyên cùng một tên lục lâm thảo khấu, phàm phu tục tử. Tuy nhan sắc nàng đã tàn phai trong cơn nắng bụi, nhưng giòng tóc Hương Giang vẫn còn đó, linh hồn của của tiếng chuông chiều Linh Mụ vẫn còn đó; Huế vẫn còn đền đài lăng miếu; còn Ngọ Môn, Kỳ Đài. Tôi vẫn còn tìm lại được những nhịp cầu Trường Tiền, Bạch Hổ, Đông Ba, Gia Hội ...  và những mái trường Đồng Khánh, Khải Định ngày nào.

Nhưng tôi tìm lại Quảng Trị quen thân của tôi ở đâu? Con đường bờ sông Thạch Hãn với những hàng phượng xanh. Nhà ga, trường học, những cửa Tiền cửa Hậu, những cửa Bắc cửa Nam ? Quảng Trị giờ đây là một quận lỵ kinh tế mới với hàng trăm căn nhà tôn mới dược dựng lên. Qua quán nước đường, treo lèo tèo dăm cái bánh ú, mấy cái bánh tráng bám bụi đường, trên kệ gỗ vài chai nước ngọt quốc doanh pha màu phẩm đỏ hồng, những bao thuốc lá Mai, Điện Biên vàng ố.

Từ ngã ba Long Hưng, dân Quảng Trị trở lại cũng phải hỏi thăm đường. Không ai nghĩ rằng đây là đất Quảng Trị nữa. Chỉ còn những con đường bụi lầm ngang dọc giữa đám nhà tôn. Chỉ còn những con người lam lũ lội bộ. Vài chiếc xe đạp cọc cạch vội vã chạy ngang. Những đứa trẻ lại trở về thời quá khứ ba mươi năm, lại bụng ỏng da chì, lại đầu trần chân đất!

Có phải đây là Quảng Trị của em không ? Hay đây chỉ là một thị trấn nghèo nàn của thời kỳ hoang dã. Không thấy một đóa hoa, không nghe một tiếng nhạc, còn nói chi nghe được một tiếng cười. Tôi đạp xe trên con đường đê bên con kinh đào chưa có nước, chưa bao giờ cảm thấy thấm thía như hôm nay cái nghĩa của thương hải tang điền. Giờ đây, đứng ở Đạo Đầu có thể nhìn thấy La Vang, như bên này nhìn qua bên kia một sân vận động. Quảng Trị đã nằm xuống và không bao giờ vươn mình trở dậy được nữa. Quảng Trị đã đau đớn trước chúng ta, mất mát trước chúng ta, ly hương trước chúng ta, bị tước đoạt tàn khốc hơn chúng ta.

Những người Quảng Trị đã nhiều lần bỏ miền đất cát ấy để ra đi, và đã không được dừng lại để chờ đợi một ngày trở về. Sau tháng năm 1975, người Quảng Trị lại cùng với dân tộc một lần nữa xót xa làm người lưu vong, phân tán trên những mảnh đất xa quê hương, cội nguồn. Quảng Trị thật đã xa rồi .

Quảng Trị, mảnh đất nhọc nhằn, đau đớn nhất hơn bất cứ phần đất nào trên quê hương. Ngày nay, cái tên vẫn còn đó, nhưng tất cả những gì của một thời xưa cũ đã biến mất, có còn chăng là những hình ảnh chúng ta còn giữ lại, mang theo, tản mác khắp bốn phương trời lận đận.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét