Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2021

MÌ GÓI VẠN TUẾ - Huy Phương

 Những hình ảnh chứng minh dầu chiên mì ăn liền không đáng lo như bạn nghĩ |  Dinh dưỡng, Ẩm thực, Thức ăn

Tôi thật là kẻ vô ơn. Hồi đi học có mỗi cái cân, tôi cũng biết do ông Roberval  chế ra, về định luật trọng lượng, tôi cũng biết nhờ ông Archimède, rồi sức hút của quả đất cũng biết tới ông Newton. Thế mà gần bốn mươi năm nay, tôi không biết ông tổ của mì gói hay mì ăn liền là Momofuku Ando, chủ tịch công ty Nissin Food Products Co. cho đến khi nghe tin ông qua đời. Tôi vô ơn là vì trước năm 1975, tôi ít gắn bó với tô mì gói "Hai Con Cua" của hãng Vifon ở Chợ Lớn, nhưng từ sau tháng tư ấy, cuộc đời tôi phải nói là gần như dính liền với sáng chế tuyệt vời của ông Ando. 

<!>

Tôi là lính tâm lý chiến ở một trung tâm huấn luyện tân binh,  tức là dạy cho lính biết thế nào là Cộng Sản và vì sao phải đánh Cộng Sản, thế mà ngày 25 tháng 6 năm 1975, nghe thông báo đi trình diện "học tập cải tạo" tôi đem đúng 7 gói mì, theo tinh thần "hoà giải dân tộc", sau 7 gói mì là tôi trở lại đi dạy học thay vì không đi lính nữa. Thay vì 7 gói mì, nếu có thêm và có đầy đủ, tôi phải ăn cho hết cái tội ngu của tôi là 2,455 gói chia cho 365 ngày là chẵn 7 năm. Nhưng vào cái thời buổi ấy đói rã họng, làm gì có mì gói là thứ thực phẩm cao cấp mà ăn. Mãi cho đến năm năm sau ngày vào tù, được vợ thăm nuôi cho mấy bao mì gói, bẻ nửa gói cho vào một cái "gô", mấy ngọn rau lang vừa "cải thiện", thêm một con nhái nữa là thành một món ăn tuyệt hảo nhất thế giới, ăn vào mát cả ruột gan.

Món cơm sấy cho lính tác chiến ngày trước của Cục Quân Nhu nhạt nhẽo vô vị, tôi tự hỏi sao thời ấy mấy ông có trách nhiệm không phát cho lính mì gói để đi hành quân. Có nước nóng càng quý, nước lạnh cũng không sao, mà ăn không rồi uống nước vào sau cũng tốt. Từ ngày qua Mỹ, tôi thấy người Việt mình, gia đình nào cũng mì gói bất ly thân, thời buổi khó khăn, sáng trưa chiều, bận rộn không nấu nướng thì điểm tâm, ăn trưa ở sở hay no lòng buổi khuya cũng là nó. Hồi còn đi làm cu li, để khỏi mang thịt cá tanh hôi vào sở, chỉ một tô mì gói, đổ nước lạnh vào, bỏ vô microwave ba phút là xong. Suốt mấy năm, đồng nghiệp trong sở đặt cho tôi cái biệt danh "Mr. Noodle" cũng không có gì là quá đáng. Một cô đầm, tò mò coi cái công thức ở bao mì, khi thấy mấy chữ L. glutamade và monosodium glutamate in trên nhãn bao, cô đâm hoảng bảo rằng ăn nó vào là ung thư cấp kỳ. Tôi không buồn cãi lại, vì nếu ung thư thì đồng hương Việt Nam ở Mỹ chắc đã chết hết lâu rồi.

Ðồng hương đi chợ Việt, món mì gói hầu như gia đình nào cũng có chất trên xe đẩy. Tôi cũng biết nhiều người ăn mì gói trường kỳ mà có tiền giúp thương binh, xây chùa hay góp tiền cho người ta mổ mắt, giúp người cùi, thì mì gói phải được mấy ông dân cử trao bằng khen. Tôi cũng biết nhờ mì gói mà các chàng trai trẻ lương "ba cọc ba đồng"có thể mua xe SUV đắt tiền hay đi Việt Nam đều đều. Nếu các cô gái Việt Nam theo chồng đến Mỹ, vào nhà thấy mấy thùng mì gói chất lên nhau trong nhà bếp, thì đừng thất vọng. Thứ nhất là vì bếp núc lạnh lẽo, phải ăn mì gói đều đều nên mới cần cưới các cô đến Mỹ, sau đó các cô cũng phải biết nhờ mấy thùng mì gói đó, mà cô mới có được "một đôi lợn béo, một vò rượu tăm."

Các bạn ở các tiểu bang miền Bắc, miền Trung Hoa Kỳ ít người Việt, xa hàng quán Việt Nam, không có tiệm "cơm chỉ", "xa quê hương, nhớ mẹ hiền", không nuốt nổi mấy miếng khoai tây chiên, thì tô mì gói cũng làm người ta gần gũi với hương vị Việt Nam, cũng đỡ nhớ nhà lắm chứ! Tôi vẫn thắc mắc không biết mấy đứa cháu ngoại của tôi, có phải vì có máu Việt Nam lưu thông trong huyết quản không, mà đi học về, nghe nói đến mì gói thì đứa nào cũng sáng mắt ra, nhưng vì biết mì gói độc, nên chỉ thỉnh thoảng chúng mới được thưởng thức.

Trong tất cả các món ăn chơi Việt Nam thì Phở, Bún Bò, Hủ Tiếu, Mì là tứ quý, nhưng cuối cùng thì chỉ còn phở và mì là hai món thông dụng nhất. Sau năm 1954, phở hầu như chiếm lãnh thị trường nhưng không đánh bạt được mì ở phía nam, nhờ khối người Hoa còn đông đảo và mì nấu đơn giản hơn, rẻ tiền hơn. Thời đó, tôi còn nhớ đến tiếng "sực tắc" trong cuốn phim đen trắng "Kiếp Hoa" do hai cô đào miền Bắc là Kim Chung và Kim Xuân thủ diễn, tức là tiếng mì gõ phổ biến bây giờ ở Saigon. Nhưng nghệ thuật "cô đọng" thì phở không làm nổi, nên phở ăn liền không làm nổi danh phận gì như gói mì ăn liền.

Tôi là người Việt Nam sợ món ăn Mỹ, nên sang đây trong mười mấy năm, chỉ gặm hamburger trong những trường hợp bất đắc dĩ, còn mì gói, thì tứ thời bát tiết, sáng tối lúc nào cũng được, mà ăn lúc nào cũng thấy ngon. Mì gói mang đặc tính tiện lợi, nhanh chóng, xổi xổi lúc nào cũng dùng được ngay, nên người ta mới có thành ngữ "mì ăn liền", để nói tới một cái gì tạm bợ, thiếu phẩm chất như những cuốn phim được sản xuất trong thời mở cửa bên xứ xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu sản phẩm chỉ để dùng tạm bợ thì người ta có thể sản xuất nó một cách đơn giản, xài qua một lần rồi bỏ, như các thứ ly tách, chén, tô, khăn ăn bằng giấy. Nhưng các thứ như nhà cửa, cầu cống, đường sá mà xây dựng cẩu thả, tạm bợ, thiếu phẩm chất, kiểu "mì ăn liền" thì  tiếng xấu không bao giờ rửa sạch, làm cho món mì gói của tôi cũng  phải chịu miệng tiếng với đời.

Dù sao tôi cũng phải chịu ơn Ông Momofuku Ando và cái công ty chuyên sản xuất mì Nissin của ông. Những ngày mới đến Mỹ, tôi nhớ đến ông lúc trời còn chập choạng chưa sáng đã phải dậy đi làm, những buổi trưa nghỉ trong cái góc của nhà máy giấy bề bộn, hay có những năm đi làm ca hai về khuya. Thật là mang ơn ông hết sức. Cảm khái, tôi nhại mấy câu ca dao sau đây:

"Giả ơn thùng mì gói này

Ban đêm gà gáy có mày có tao.

Giả ơn mì gói mươi bao

Ban đêm gà gáy có tao có mày!"

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét