Pages

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

PHẢI BIẾT HỔ THẸN

 

Nhà văn Trần Tự Triển  bên Tàu có kể một câu chuyện về sự hổ thẹn như sau: "Lâu Sư Ðức làm Tể Tướng, cất nhắc cho em, một tên bất tài đi làm Ðô Ðốc vùng Ðại Châu. Trước khi ra đi nhậm chức, tên Lâu Tể Tướng mới hỏi em: "Ta là người bất tài làm đến Tể tướng, lại cất nhắc mi đi làm Ðô Ðốc một châu. Nếu có ai đem lòng khinh ghét mà chưởi bới tới dòng họ ta, thì mi nghĩ sao". Người em thưa: "Xin anh đừng quá lo lắng, nếu có ai nhổ vào mặt em, em cũng chỉ im lặng lau đi là xong. Và như thế, chắc không phiền gì tới anh đâu, xin anh an tâm."
<!>

Lâu Sư Ðức nói: "Ôi! Chính vì thế mà ta mới lo. Giá mi bị ai nhổ vào mặt, cứ vui cười, để vậy cho khô đi có hơn không. Vì lau khô đi càng thêm làm người ta tức giận." Người em khâm phục vì nghệ thuật hứng nước bọt, bất cố liêm sỉ của ông anh Lâu Sư Ðức, bèn cúi đầu lĩnh hội lời dạy bảo, từ biệt ra đi.

Bên Tàu cũng có thêm một chuyện bất cố liêm sỉ khác như sau: Phùng Ðạo, đời Ngũ Châu đã vác cái mặt mo đi quỳ gối tại bốn nước, làm quan mười triều vua, về sau làm tới chức Tể tướng. Y vênh váo tự phong cho mình danh hiệu "Trường Lạc Lão" (Lão Vui Lâu). Người đời có kẻ khinh bỉ, viết hai chữ "Phùng Ðạo" vào cái mo cau, đeo vào mặt một con lừa và thả đi ngoài phố. Phùng biết người ta ám chỉ mình, nhưng tảng lờ đi. Có kẻ thân cận đem chuyện ấy trình lên, y bình thản mà nói rằng: "Ở kinh đô này, thiếu gì có người trùng tên, chắc gì Phùng Ðạo ấy là tên tôi. Cũng có thể, ai bắt được con lừa đi lạc rồi mang đi tìm chủ để trả lại cũng nên?"

Nghệ thuật "bất cố liêm sỉ" này của hai vị Tể Tướng bên Tàu này đúng là mặt dạn mày dày, thuộc loại có một không hai, tuy vậy đời này không phải là không có những loại người như thế.

Ngày xưa ông cha chúng ta thường răn dạy, ra đời đừng làm việc gì xấu xa để mang tiếng tới cha mẹ, hay để người ta nói động đến ông bà, tổ tiên và giòng họ. Cho nên, cái thẻ căn cước cá nhân thời Tây cũng như dưới chế độ VNCH, đều có ghi rõ tên cha tên mẹ nghĩ cũng hay. Nói tới ông Nguyễn Văn Ổi thì người ta biết tới con ông Nguyễn Văn Xoài và bà Phan Thị Mít. Làm tốt thì để tiếng thơm cho cha mẹ, làm điều xấu thì cha mẹ bị lôi ra mà chửi bới. Mất một con gà, hàng xóm cũng đem ông nội, ông ngoại, cao tằng cố tổ, năm bảy đời trước thằng ăn trộm gà ra mà chửi từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Chưa đã, người mất gà còn muốn đào mồ cuốc mả cha ông thằng ăn trộm gà lên. Như vậy, nếu làm bậy thì mồ mả, tên tuổi cha ông cũng không yên. Người ta khi gặp một thằng làm bậy, nếu không rủa tới cha mẹ thì cũng chửi là "đồ không cha không mẹ".

Nguời ta có kể tới một giai thoại về việc chọn cấp chỉ huy hành chánh hay quân sự của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Khi lý lịch một ứng cử viên được trình lên, ông thường hỏi:"thằng ni con nhà ai, cha mẹ ra răng"? Có lẽ ông nghĩ rằng con nhà tử tế thì không dám làm bậy, sợ nhục đến cha ông.

Thời nay, thiên hạ làm bậy, không hề nghĩ đến chuyện người ta chưởi đến cha, đến mẹ. Mà cha mẹ thời nay thấy con vênh vang xe ngựa, vác tiền về nhà là quý rồi, còn đồng tiền đó là tiền ăn cắp, ăn trộm, đồng tiền bán thân cũng không sao. Phải có những bậc cha mẹ biết xấu hổ vì con, những người vợ biết thẹn mặt vì chồng, những đứa con biết ra đường biết ngượng ngùng vì bố thì may ra cái xã hội ấy mới khá lên được.

Phải chăng vì không biết ngượng ngùng, mắc cỡ, hổ thẹn nên khi vì tiền, ca sĩ, người mẫu, tài tử đóng phim cũng đi làm gái mua vui cho thiên hạ. Vụ án PMU 18 ở Hà Nội không phải là một vụ án duy nhất được phanh phui trong một chế độ chuyên bưng bít. PMU 18 bắt đầu từ năm 1999 có nhiệm vụ quản  lý việc xây dựng, nâng cấp các công trình trên quốc lộ 18 (tử Hải Dương đi Hòn Gay-Vịnh Hạ Long). Trong chế độ này có khẩu hiệu :"không làm không có ăn, có làm mới có ăn!" Ăn sắt, ăn xi măng, ăn cát, ăn sạn..nên cầu chưa khánh thành đã sụt lở, đường chưa làm xong đã bể nát. Sự can đảm của những con người dám thay xi măng cốt sắt bằng xi măng dỏm cốt tre đủ nói lên cái "ưu việt lưu manh" của thời đại mới.

Ðồng tiền  kiếm ra từ những công trình xây dựng này quá dễ dàng, nên chúng mới dám bỏ một hai triệu đô la để cá độ, năm bảy trăm nghìn để đút lót, nhà đẹp, xe lộng lẫy, ăn chơi cờ bạc, bày trò dâm đãng như chính báo chí trong chế độ ấy đã tố cáo ra. Trong mỗi con người đều có thú tính, chẳng qua đè nén được thú tính thì thành người, để thú tính phát triển thì thành thú vật, đừng nói gì tới liêm sỉ hay danh dự của cha ông. Khi văn phòng chính phủ Cộng Sản Hà Nội đã khẳng định không có luật lệ, thông tư nào cấm nhận phong bì hối lộ thì cả cơ chế ấy, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản đã mặc nhiên công nhận tất cả những điều xấu xa, tội lỗi trên đều là chuyện thường, không có gì đáng nói.

Chỉ một vụ này thôi, Mai Chí Thọ một viên chức cao cấp của Hà Nội đã cho  rằng, đây là một mối "sỉ nhục quốc gia". Còn như tệ nạn tham nhũng, việc mua bán phụ nữ và trẻ em vị thành niên, cán bộ, đảng viên sống xa hoa, trác táng trên sự đói khổ của đa số quần chúng đã phát sinh từ một chế độ tồi tệ, không biết lẽ phải, không có lương tâm, không biết hổ thẹn. Cán bộ cấp lớn, cấp nhỏ trong chế độ này dựa vào thế lực của đảng cầm quyền thi đua làm những điều tệ hại, hiếp đáp dân lành, cướp đất của dân như những kẻ cướp ngày  giữa chợ, để dân chúng oan ức, tự thiêu, thống khổ cao lên tận trời xanh. Trước những điều tệ hại này, nhà cầm quyền vẫn dửng dưng, quay mặt. Họ là những con người, nhưng là con người mất nhân tính.

Còn như nói chuyện hổ thẹn, tôi nghĩ những cái mặt mo này cũng không thua gì mặt mo của Tể Tướng Phùng Ðạo ở câu chuyện trên. Nghệ thuật chịu đấm ăn xôi, bất cố liêm sỉ của cả bọn băng đảng thời nay, theo đúng "chủ thuyết" của Lâu Sư Ðức: "bị ai nhổ vào mặt, cứ vui cười, để vậy cho khô đi. Vì lau khô đi càng thêm làm người ta tức giận".

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét