Pages

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

CHỮ HIẾU THỜI NAY - Huy Phương

 


 "Chín đứa con vẫn có vị trí trong bàn tay của

cha chúng, nhưng cha chúng lại chẳng bao giờ

có được vị trí trong gia đình của chín đứa con".

(Ngạn ngữ Estonia)

Nhật báo Los Angeles Times ngày 15 tháng 4 vừa qua đã loan tin chính quyền địa phương một vài nơi ở Trung Hoa đã đưa ra vài biện pháp hành chánh để cứu vãn tình trạng chữ hiếu bị quên lãng trong quốc gia đông người nhất hành tinh này. Những hình phạt sau đây sẽ áp dụng cho những đứa con bất hiếu :

<!>

- trong thời gian ba tháng mà không hề viếng thăm cha mẹ được một lần thì tên tuổi đứa con này sẽ được yết trên bảng cáo thị ở nơi công cộng.

- những đứa con trong ba ngày Tết Nguyên Ðán mà không về thăm cha mẹ sẽ bị phạt 5 đô la.

- sẽ bị phạt tù tới 5 năm nếu bỏ bê, không săn sóc tới cha mẹ.

Ngày nay, ở thôn quê chỉ có 6% vị cao niên được lãnh  tiền già, còn ở các thành phố lớn có tới 60%. Tuy vậy tiền bạc không đáng kể bằng những giá trị của nền nếp gia đình hiện nay đang bị xói mòn. Nhiều vị đã bắt con phải ký vào những văn bản là phải nuôi cha mẹ lúc về già, nhưng phần lớn lại cho rằng không cần thiết và lý luận "những đứa con này đâu phải từ dưới lỗ nẻ chui lên".

Ðể giữ gìn phong hoá, chính quyền sẽ đưa ra những biện pháp phạt vạ, bêu xấu, bỏ tù thậm chí còn dùng những phương tiện không chính đáng khác, miễn là để cho con cái trở lại thời xưa, là biết hiếu thảo với cha mẹ. Chính quyền đã dùng các phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình để cổ vũ cho lòng hiếu thảo, ví dụ như trình bày một đoạn phim ngắn mô tả một bà mẹ già chờ con về ăn tối, nhưng cuối cùng chỉ nhận được những lời thoái thác của đàn con qua điện thoại. Những vở kịch ngắn mang chủ đề "hiếu thảo" cũng được diễn thường xuyên trên đài truyền hình quốc gia.

Chính những chiến dịch như thế này đã cho ta thấy chính quyền Trung Quốc hết sức lo sợ là nền đạo lý đang bị xói mòn.

Ðối với khế ước xã hội của Á Ðông, cha mẹ phải săn sóc con cái khi thơ ấu, và trái lại con cái phải lo lắng cho cha mẹ lúc tuổi già.  Người Tàu từ xưa vẫn hãnh diện là xứ sở của trung hiếu, đã nghĩ rằng nếu không chấn chỉnh được tình trạng này thì họ sẽ mất hết cá tính của một người Trung Hoa. Trước kia, chúng ta thấy ông bà, con cái và cháu chắt trong ba bốn thế hệ đều sống chung với nhau dưới một mái nhà. Chỉ có 1% quý vị cao niên là phải vào nhà dưỡng lão, trong khi con số đó ở Mỹ lên đến 20%.

Nhưng thời nay, lúc mà văn hoá suy đồi, văn hoá tây phương du nhập mạnh mẽ vào đời sống, nền kinh tế thay đổi và cả lý thuyết Cộng Sản lớn mạnh hơn truyền thống văn hoá, thì con cái hình như đã bỏ quên bổn phận đối với cha mẹ. Nhiều người đã lên án cuộc cách mạng văn hoá dưới thời Cộng Sản từ năm 1966-76 tại Trung Hoa, khi Khổng Giáo bị lên án, con cái được cổ võ tố cáo cha mẹ về những hành động vi phạm của cha mẹ, kể cả việc "từ" cha mẹ nếu họ xuất thân từ giai cấp địa chủ hay có những gốc rễ "xấu".

Chính quyền cũng có nhiều biện pháp thi đua, khen thưởng để khuyến khích như mở cuộc tuyển chọn người con hiếu thảo nhất trong năm. Bà Vương Vĩnh Dung, 47 tuổi, cư dân của tỉnh Shanxi đã được chọn trong tám ứng viên để trở thành "cô dâu gương mẫu nhất trong năm". Bà thú nhận trước đây cũng có xung đột với mẹ chồng đôi lần, nhưng hiện nay bà đã tận tình săn sóc ông cha chồng, hai đứa em tàn tật, ba đứa cháu và một bé mồ côi trong suốt hai mươi năm làm dâu. Tiên Chỉ Hồ, một luật sư ở Quảng Châu được coi như "nhân vật trong năm của Trung Quốc" vì đã hiến cho mẹ mình một quả thận mà không cho bà biết, người con hiếu thảo này đã phát biểu: " điều mà tôi hiến dâng cho mẹ tôi không thể nào so sánh được với những gì mà bà đã hy sinh cho tôi."

Chính quyền Trung Quốc cũng có nhiều hình phạt bằng cách đưa những đứa con bất hiếu ra toà, và đã kết án một cô dâu 8 tháng tù vì thiếu bổn phận đối với mẹ chồng, một người đàn ông khác một năm tù vì bỏ bê cha mẹ. Một nông dân, trong lúc đốn cây để đóng hòm (quan tài) cho mình , như một cổ tục của người Tàu, đã bị cây đè và bị bại liệt. Vì thằng con trai và bốn đứa con gái khốn nạn của ông đã không săn sóc ông và đuổi ông ra khỏi nhà. Theo sự khuyến khích của bà Chủ Tịch Hội Phụ Nữ xã, ông đã đưa mấy đứa "tặc tử" này ra toà và đã thắng kiện. Toà bắt chúng phải cung cấp tiền bạc và săn sóc ông. Cha cầm đơn đi kiện con quả thật là một điều bất dắc dĩ. Quốc hội Trung Quốc vừa làm một cuộc khảo sát qua các vị cao niên, 52% vị này đã cho rằng hiện nay con cái đã không thèm đếm xỉa gì đến vấn đề an sinh của cha mẹ.

Ở một vài địa phương, trẻ con mẫu giáo đã bắt đầu được học hỏi về việc hiếu đễ đối với cha mẹ theo luân lý Khổng giáo như phải tôn kính, hiếu thảo với cha mẹ. Người ta cho rằng trong thế kỷ vừa qua, văn hoá Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều, đạo đức suy đồi, lòng hiếu thảo đã bị quên lãng, quan niệm về lòng hiếu thảo có thể thay đổi chứ không thể bị vứt bỏ. Ðể cứu vãn tình trạng này, người ta đã đưa vào trong chương trình tại nhiều trường Ðại Học Cộng Ðồng môn học "hiếu thảo với cha mẹ". Tại đại học  LiaoCheng, sinh viên đã được học phải viết thư và gọi điện thoại hỏi thăm song thân thường xuyên và bài thực tập về lòng hiếu thảo là sinh viên phải rửa chân cho cha mẹ. Lúc đầu thì cô sinh viên Vương Văn Phan tại Ðại Học này ngần ngại nhưng sau đó lại cảm thấy hài lòng khi thấy cha mẹ mình thật sự sung sướng vì cử chỉ trên của con, nhưng tiếc thay, hơn một  nửa lớp đã nói rằng chúng quên (hay lơ) thực hành bài tập này. Có đứa lại phản đối và cho rằng "bài thực hành" này thật là "vô nhân đạo", cứ kính trọng cha mẹ, học hành giỏi giang là đủ, nếu cha mẹ nào muốn thì cứ vô tiệm nails làm massage chân, con cái đâu cần phải làm việc đó.

Kẻ thù của lòng hiếu thảo là nếp sống văn minh tây phương và chế độ Cộng Sản còn hiện hữu trong nhiều quốc gia mà tất cả đều nghèo đói. Trung Quốc và Việt Nam hiện nay có đủ hai điều kiện ấy. Việc dò xét, báo cáo và đấu tố cha mẹ được khuyến khích và khen thưởng trong chế độ Cộng Sản, không dễ gì ngày một ngày hai đã phục hồi đạo lý lại được. Chỉ nghe nói tới "trung với đảng, hiếu với dân" mà không nghe nói gì tới hiếu để với cha mẹ. Gần đây, nhiều gương "hiếu với dân" của cán bộ cấp cao trong nước khiến cho dân phải hải hùng. Mặt khác, trong thời gian mở cửa, các nước Cộng Sản cũng hấp thụ không lựa chọn, kể cả điều xấu của văn minh phương tây. Việc trừng phạt, khuyến khích hay đem cả chương trình "hiếu thảo" vào trường học Trung Quốc, cho ta thấy rõ mối lo sợ của nhà cầm quyền trước luân thường, đạo lý bị đảo lộn tại quốc gia Cộng Sản này.

Ðạo Ðức kinh, chương 18, Lão Tử đã viết:

"Thất đạo nhi hậu Ðức, thất Ðức nhi hậu Nhân, thất Nhân nhi hậu Nghĩa, thất Nghĩa nhi hậu Lễ, phù Lễ giai trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ". (Mất Ðạo mới tới Ðức, mất Ðức mới tới Nhân, mất Nhân mới tới Nghĩa, mất Nghĩa mới tới Lễ. Ôi lễ ấy là sự mong manh của lòng trung tín, mà mở đầu của loạn lạc).

Từ xưa, lòng hiếu thảo xuất phát tự bản chất tự nhiên của con người là đúng đạo lý. Khi đã để mất đạo lý, phải dùng tới lễ (ràng buộc trong quan hệ) để bắt buộc người ta phải làm theo cũng đã tệ lắm rồi. Nay lại dùng những hình luật (như cầm tù, phạt vạ) hay đem nhử con người bằng điều lợi lộc (thi đua, khen thưởng) để giữ lòng hiếu thảo, thì quả là quá tệ.

Gần đây tại California, tôi có đến viếng một người chết tại nhà quàn Forest Lawn Covina Hill, sau khi được biết số phòng qua điện thoại của gia đình ông. Tôi ngạc nhiên đến sững sờ khi mở cửa phòng, trong căn phòng nhỏ chỉ có quan tài người đã mất, mấy vòng hoa, một dĩa trái cây và một bình hương chỉ có que nhang. Lúc sinh thời, ông là một nhân vật có tiếng tăm, đã đem gia đình đến Mỹ rất sớm vào năm 1975. Các con ông ở Hoa Kỳ đều thành đạt vượt mức trung bình, vợ con vẹn toàn, dâu rể đầy đủ, nội ngoại đề huề. Tôi rất buồn khi thấy ông nằm một mình lạnh lẽo như thế, trước khi được đưa ra nghĩa địa, kết thúc một kiếp người.

Chúng ta mong rằng, con cái người Việt ở hải ngoại chưa đến nỗi phải dùng tới lợi lộc hay hình phạt để duy trì chữ hiếu, mặc dù nhiều đứa con ở riêng cả tháng không buồn gọi về hỏi thăm cha mẹ. Có bà mẹ cuối tuần phải nấu nướng xong mới gọi con về ăn để có dịp gặp mặt con.

Dù khó khăn, tất bật, nhiều bậc cha mẹ, bạn bè của chúng tôi vẫn còn sống chung với con cái hay được con cái thường xuyên săn sóc, thăm viếng. Dù không nói vơ đũa cả nắm, phải chăng những bậc cha mẹ này đã có cái may mắn không có con cái quá thành đạt hay đã "Mỹ hoá". Ðiều này làm cho chúng ta nhớ tới một câu ngạn ngữ của người Trung Hoa:"Chỉ có bàn thờ những người khốn khổ mới nghi ngút khói hương!"

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét