Pages

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

Ngôi Làng Buồn Thảm - Huy Phương

 

 “Đời tỵ nạn tìm đâu ra hạnh phúc,

Quốc gia nào ghi nhận dấu chân tôi?”

(Hai câu thơ của ai đó đã khắc lên

một bức tường của Ngôi Làng Buồn Thảm!)

 “Dưới ống kính của Brian Đoàn, trong toàn thể tập sách, tôi chỉ tìm thấy duy nhất một nụ cười trong ngôi làng buồn thảm này, đó là nụ cười của một người mất trí, anh Huỳnh Phong.” Cái cảm giác của tôi sau khi xấp lại cuốn sách “The Forgotten Ones” của người nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Brian Đoàn là một cảm giác phiền muộn. Những gì đã được Đoàn ghi lại qua ống kính trong tập sách này là quang cảnh của một ngôi làng buồn thảm và những con người thiếu sinh khí, không có lấy một nụ cười. Đi từ một vùng biển hoang vu Palawan, với xác một con tàu vỡ nát còn lại trên bờ cạn và chấm dứt với những ngôi mộ càng ngày nhiều ra ở trang cuối, toàn thể tập ảnh là một bài thơ buồn, tuyệt vọng, không thấy hé lên ở cuối chân trời tăm tối một tia ánh sáng nào.

<!>

Tôi chưa hề có dịp ghé lại làng việt Nam trên đảo Palawan của quốc gia Phi Luật Tân, nhưng những gì tôi được nghe thấy qua sự diễn tả của người ở xa về mô tả, thì đó là một sự tuyêt vọng vô bờ của những người Việt Nam, cách đây 15 năm đã hăm hở trong một đêm tăm tối nào đó, ra đi mong có được một cuộc đời tươi sáng, đẹp đẽ hơn. Người tới thì đã tới bận rộn với đời sống bon chen, người chết thì đã chìm xuống biển sâu tăm tối u uất, người trở về thì đã để phần còn lại của cuộc đời mình theo số phận đưa đẩy. Chỉ còn lại những con người ở đây. Tôi hình dung ra họ là những con cá mắc cạn trên bờ khô, đang ngáp thở những hồi mệt nhọc, những con người đã bị thế giới này quên lãng từ lâu, hiện sống những ngày mỏi mòn vô vị, không có tương lai.

Những đứa trẻ như hai chị em Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Ngân Tuyến đã sinh ra dưới  những ngôi nhà tăm tối và trong vòng thép gai của ngôi làng này, học hành ra sao, tương lai sẽ như thế nào? Những người đàn bà như chị Võ Thu Vân bị kéo lên máy bay về Viêt Nam nhưng vẫn quyết lòng ở lại, rồi cuộc đời sẽ đi về đâu? Bà Nguyễn Thị Thương theo chương trình con lai đến Palawan nhưng không đủ điều kiện đành phải chấp nhận làm người lưu dân ở đây vĩnh viễn cùng chung hoàn cảnh với 200 người khác. Anh Hoàng Đức Minh đến đây năm 1989, kết hôn với một thiếu phụ Phi Luật Tân, nhưng chính hoàn cảnh này đã đưa gia đình anh đến chỗ tuyệt vọng, không thể đi định cư ở bất cứ nơi nào.

Một số người từ đây đã ra những khu phố tồi tàn của Manila để kiếm sống bên vệ đường như anh Phan Ngọc Diệp mà vẫn còn bị xua đuổi. Một cựu quân nhân VNCH như anh Lê Văn Trung với tấm thân đau yếu, đang chờ đợi những gì ở ngày mai. Anh Huỳnh Phong cùng vượt biên với gia đình, vợ con đã chết trên biển, sự mất mát và nỗi tuyệt vọng khốn cùng đã khiến cho anh trở thành một người mất trí. Chúng ta thấy những đứa con lai Mỹ lạc loài, không được quê cha chấp nhận, như Trương Tấn Thành đã ở đây mười ba năm dài đằng đẵng.

Ngày xưa, cái tên Palawan, trong hồi tưởng của Brian Đoàn, là tiếng gọi reo vui của người đã với tay được tới bờ tự do, là tên một hòn đảo của hy vọng của những ngày mất phương hướng trên biển cả mênh mông, nhưng giờ đây khi Brian Đoàn có dịp đến thăm, nó lại là mảnh đất của vô vọng, nơi giam hãm những mảnh đời phiêu bạt, không có bến neo. Brian Đoàn cũng đã chuyển lại cho người đọc, cho tôi, ánh mắt buồn rầu của những đứa trẻ không có tuổi thơ, những ngấn lệ của người già đang chờ những ngày tàn, tháng tận.

Đây là những người có thể nói là đã hết đường hy vọng, họ đã qua nhiều lần thanh lọc, đã bị những phái đoàn ngoại quốc thẳng thừng từ chối. Họ vẫn còn là người Việt Nam nhưng không bao giờ muốn trở lại quê hương, họ không được xem là người Phi dù đã sống trên đất Phi mười lăm năm nay. Họ không có quyền sở hữu tài sản, không có việc làm ổn định.

Trong quá khứ họ đã chứng kiến bao nhiêu cái chết, bao nhiêu nỗi chia lìa, bao nhiêu dòng nước mắt, bao nhiêu tiếng kêu gào đau đớn. Đây là nơi tập họp những bệnh tật, nghèo khổ, bị khinh rẻ, kỳ thị của những người tuy được coi là con người, nhưng đã hoàn toàn bị người đời quên lãng. Từ cái làng buồn thảm này, những người Việt Nam đã ra đi, trong một khoảng cách gần hay xa, để kiếm miếng sống trên mảnh đất xa lạ này với những nỗi nhọc nhằn bất tận. Đó là từng ngày, từng buổi chiều, từng đêm, rồi buổi sớm mai thức dậy lập lại những nỗi chán chường miên viễn.

Trong cái làng mang tên là làng Việt Nam buồn thảm này, họ vẫn còn nuôi hy vọng, hy vọng như những đốm lửa nhỏ nhoi trong đống tro tàn đã hầu như nguội lạnh. Ho hy vọng cho tới một ngày nào đó khi xuôi tay nhắm mắt nơi cõi xót xa này mà chưa hề mỉm được một nụ cười mãn nguyện, và sẽ xếp hàng theo những bia mộ ngoài nghĩa trang.Không có hy vọng, thì những con người trong ngôi làng buồn thảm này đã chết vì khô héo từ lâu.

Dưới ống kính của Brian Đoàn, trong toàn thể tập sách, tôi chỉ tìm thấy duy nhất một nụ cười trong ngôi làng buồn thảm này, đó là nụ cười của một người mất trí, anh Huỳnh Phong. Dưới ống kính của Brian Đoàn, những đôi mắt của những người lớn chứa đựng những nỗi niềm tuyệt vọng đã đành, cả đến những đứa trẻ, cũng đã mất hết cả sự hồn nhiên trong trắng của tuổi thơ.

Sự thành công của Đoàn, dù chỉ vỏn vẹn trong ba mươi bức ảnh, đã làm cho người ta cảm nhận được những gì Đoàn muốn chuyển đạt đến người xem, khi niềm tuyệt vọng, u uẩn thể hiện lên từng bức ảnh.

Riêng đối với câu chuyện của những người hiện đang sống tại Phi Luật Tân đang tuyệt vọng tìm một nơi để đến định cư, và những quan tâm gần đây của những người có lòng đã đến với họ, tôi chỉ lo sợ một điều, chúng ta có nên vứt thêm một cành củi mục xuống nước để cứu cho những người sắp chết đuối chăng?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét