Pages

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

NGƯỜI MỄ BÁN HOA BÊN ĐƯỜNG

 

Nói tới hoa là chúng ta nghĩ tới người đẹp, và người bán hoa bao giờ cũng là những cô gái, không xinh xắn thì cùng thon thả, dịu dàng như trong cuốn tiểu thuyết “Gánh Hàng Hoa” của Khái Hưng hay như trong phim “Violettra” của vài thập niên  trước. Ở Mỹ, hoa thường bán trong cửa tiệm sang trọng còn những người bán hoa dạo ngoài đường là những anh chàng di dân gốc Mễ Tây Cơ phần đông còn trẻ, da ngăm, thân hình thì lực lưỡng, không phù hợp chút nào với vẻ đẹp của hoa và những bó hoa họ cầm trên tay.Nói tới những người Mễ đón khách ở trước các cửa hàng Home Depot thì còn hiểu được, vì họ là những người có sức khỏe có thể giúp chủ nhà thuê mướn họ những công việc như dọn nhà, làm vườn, cưa một khúc cây lớn, trộn vôi vữa hoặc tráng một lối đi bằng đá vụn hay xi măng. Nhưng những người bán hoa ở các vệ đường và những góc đèn xanh đèn đỏ thì không bao giờ dùng sức vóc cho công việc, mà hình như cái nghề họ làm có vẻ không phù hợp chút gì với con người của họ.

<!> 

Vào mùa thu, khi nước Mỹ đã đổi giờ, trời mau sụp tối, những người bán hoa như cảm thấy vội vã, họ chạy lui chạy tới trên những đoạn đường ngắn, đưa cao lên đầu những bó hoa hồng hay hoa cẩm chướng nhỏ kết chung với những ngọn lá baby-breath, mắt nhìn vào khung cửa xe đang chạy hay sắp dừng lại. Những buổi trưa trời nắng gắt, mặt trời làm cho cả người lẫn hoa đều mỏi mệt, cánh hoa bắt đầu muốn héo úa, mà nước đựng trong chiếc xô nhỏ cắm hoa cũng bắt đầu nóng dần lên. Người lái xe ít khi muốn dừng lại, cả hai thời tiết đó ai cũng muốn lái xe về nhà sau những giờ làm việc mệt nhọc để tìm những khoảnh khắc nghỉ ngơi.

Tôi nghĩ không ai muốn tặng vợ hay người yêu bằng một bó hoa mua từ tay một người Mễ bán hoa bên vệ đường, một bó hoa rẻ tiền hẳn làm cho người được tặng không vui mà còn đánh giá người tặng hoa là một tên keo kiệt có hạng mà còn muốn làm ra vẻ hào hoa, lịch lãm.

Tôi không biết một bó hoa bán ra, người Mễ bên vệ đường lời được bao nhiêu tiền để đủ cho cái công sức nhẫn nại, một tâm hồn buồn chán, và một mặc cảm gần như bị hất hủi. Hoặc là người Mễ đó không bao giờ biết buồn hay biết thẹn thùng, hoặc là người ấy nghĩ đến một việc làm ý nghĩa hơn để quên đi cái nhọc nhằn của mình.

Ở Virginia, những đêm tuyết xuống đầy trời, hai ba giờ sáng tôi thức giấc, từ khung cửa sổ của căn chung cư nhìn xuống, trong mù mịt của tuyết trắng tôi thấy những người da đen lầm lũi, khốn khổ đang dọn tuyết giữa trời lạnh như cắt dưới độ âm, để ngày mai có những lối chạy cho xe cộ. Tôi chua chát nhận thấy con người sinh ra trên trái đất đủ màu da, sao người da đen bất hạnh ở xứ này lại phải làm những công việc nặng nhọc mà những màu da khác không thấy ai làm.

Bây giờ ở đây, hôm nay là buổi chiều ngày hai mươi bốn tháng mười hai, bên vệ đường, người Mễ vẫn cầm bó hoa trên tay, những chiếc xe vẫn thản nhiên dừng lại khi đèn đỏ hay vội vã chạy qua đi để cho về kịp nhà lúc trời tối. Ai cũng muốn chóng về nhà để quây quần sum họp gia đình trong căn nhà ấm cúng buổi chiều hôm trước ngày Giáng Sinh. Nhiều lúc tôi đã dừng xe lại, định mua một bó hoa để đem lại chút niềm vui cho người bán hoa đang chạy lui chạy tới bên đường, bó hoa này sẽ cắm trên bàn thờ thay vì đem trao cho một người nào đó, nhưng những xe sau đã nhấn còi thúc hối, làm như cái việc tôi sắp làm là ngu đần, rồ dại và sẽ gây bao nhiêu phiền toái cho người khác.

Dù đồng tiền khó khăn làm ra mới có, nhưng chắc chắn đồng tiền ấy sẽ đem lại niềm vui cho người bán hoa này. Tôi không nghĩ là món tiền lời đó, người Mễ kia sẽ mua vài lon bia để tu ừng ực chiều nay. Tôi đã bắt gặp những người Nam Mỹ ăn mặc xuềnh xoàng tần ngần trước cửa bưu điện với những chi phiếu hằng trăm bạc gởi về cho một gia đình có người mẹ, người vợ đói nghèo ở bên kia biên giới. Họ là những người chịu khó, lúc nào có thể kiếm được đồng tiền họ chẳng từ nan, vì chắc chắn họ biết giá trị những đồng tiền ấy có thể đem lại chút ấm no cho những người thân.

Những những ngày lễ Phục Sinh, có khi trời nắng gắt, có những người Mễ mặc bộ quần áo đội lốt chú thỏ trắng dày trịch, múa may ở trước những cửa hàng để gây sự chú ý cho khách qua đường. Có khi họ quay vòng một tấm bảng bằng bìa cứng nặng dễ quảng cáo cho một khu chung cư hay một chỗ rửa xe. Đó là những công việc quá nặng nhọc, nhàm chán mà ít tiền nhất.

Các bạn có thấy một người Việt Nam nào, đồng bào tỵ nạn của chúng ta qua đây mà nào qua đây mà phải chầu chực ở đầu đường để kiếm một việc làm thuê, đứng bán hoa ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ hay mang y phục của một chú gấu bằng vải bố vào một buổi trưa mùa hè trên đất Mỹ. Quả thật chúng ta là những người sung sướng vì có sự đùm bọc của thân quyến và đồng hương, ít ra chúng ta còn có quyền chọn lựa được những công việc làm trong hãng xưởng, trong tiệm may hay ở một cửa hàng ăn nào đó hơn là những công việc tạm thời, dầm mưa dãi nắng mà vất vả ở ngoài đường phố như những người di dân Mễ đáng thương kia.

Những người bạn tôi hút thuốc vì than buồn, những người khác uống rượu vì than ngày tháng chán nản, thôi thì chúng ta cũng thông cảm để những những người di dân buồn, buổi chiều uống dăm bảy chai bia để quên đi những ngày tháng nhọc nhằn của cuộc đời tạm bợ trên đất người. Buổi chiều họ trở về những căn chung cư chất đống những người, ngủ trên xô pha, trên tấm thảm ở phòng khách, để rồi ngày mai vất vả chạy theo cuộc sống để kiếm đồng tiền.

Bao nhiêu đồng hương của họ đã chết đuối trên dòng sông La Grande, hay bỏ thây trong những khu rừng biên giới, rõ ràng họ không đi kiếm tự do như anh em chúng ta đã bỏ mình trên biển cả, nhưng cũng chính vì vậy, sự ân sủng của Thượng Đế ban cho loài người, thật không độ lượng và công bằng chút nào cả.

Sự chia sẻ của những người Mễ di dân bỏ đất nước ra đi đối với gia đình của họ thật vô bờ bến. Như người đồng hương của họ bán hoa ở trên, người Mễ chịu khó chịu khăn làm tất cả mọi việc để có đồng tiền gởi về nhà. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2004, những người Mễ ở California đã gởi về quê hương của họ số tiền kỷ lục gần 8 tỉ mỹ kim, theo tường trình của Ngân Hàng Quốc Gia Mexico. Tính ra một năm, người Mễ xa xứ gởi về quê hương của họ hơn 13 tỉ, so với 11 tỉ do các công ty ngoại quốc đầu tư vào nước này.

Nước Mễ không tạo đủ công ăn việc làm cho dân chúng, hằng năm có 1,3 triệu người cần việc làm, nhưng nhà nước chỉ lo dược 400.000 công việc, 300.000 công việc khác là của di dân Mễ qua Hoa Kỳ, con số còn lại là dân thất nghiệp.

Mà nói cho cam, người Mễ vượt biên giới ra đi đâu có làm công việc của giám đốc nhà máy hay là chuyên viên điện toán để có đồng lương cao, mà công việc của họ phần lớn là nghề tay chân, dọn vườn, rửa chén, hái trái cây hay thợ hồ xây cất.

Ở Cali, đã có một thời gian kinh tế xuống dốc thê thảm, những người già như tôi không kiếm ra việc làm, tôi phải bỏ tiểu bang nắng ấm này để di cư một lần nữa, may ra kiếm được một công việc, có thể vất vả nhưng vất vả ở những nơi hang cùng ngõ hẻm không ai biết tới. Giá tôi như tôi chịu khó tìm đến ông Trần Dũ để xin một chân làm cá hay xẻo thịt trong ngôi chợ của ông, thì tôi đã không phải về một tiểu bang miền đông tuyết giá để xin một chân bán xăng hay đi làm nghề lau chùi ở một cái cao ốc xa lạ mà không ai biết tới mình.

Cái sỉ diện hảo đó đã làm cho con người ta vất vả biết bao nhiêu, và tôi cũng lấy làm hổ thẹn khi tôi không dám đứng ra ngoài đường như những người Mễ bán hoa, khi những ngày đồng tiền trợ cấp cho một người tỵ nạn đã cạn. Sinh ra cũng là một con người dưới ánh mặt trời, sao tôi đã đánh giá mình cao hơn để không dám làm những công việc tương tự kiếm ra đồng tiền một cách lương thiện.

Đồng hương chúng ta sang đây, có người vẫn thường nhớ lại một thời vàng son của quá khứ, họ mang trên lưng cái sức nặng của ám ảnh dĩ vãng, nên thường thấy bất mãn trước hiện tại, khi từ số không, phải bắt tay làm lại cuộc đời. Có ông cựu Đại tá đã khóc thầm khi phải cầm một cái chổi chà dọn dẹp trong phòng vệ sinh những ngày đầu đến đất Mỹ, vì ông vẫn không quên những lúc có “tiền hô hậu ủng” của mình. Một công chức cao cấp sang đây, thấy những đồng hương khác, ngày xưa thấp kém hơn mình, nay coi bộ được học hành, có cuộc sống giàu có hơn hẳn mình, thì ông lấy làm bực dọc, cay cú, hận đời.

Những người di dân Mễ thì khác, họ sinh ra trong một góc làng đói khổ, nghèo nàn nào đó bên kia, lớn lên họ nhìn nước Mỹ như một thiên đàng và sống chết nuôi giấc mộng đi tới, kiếm một việc đủ bữa cơm no, và san sẻ chút đồng đô la cho những người thân thuộc bất hạnh còn ở lại.

Cho nên, chúng ta thấy họ không từ nan bất cứ công việc gì. Những việc mà dân da trắng bản xứ chê không nhúng tay vào, kể cả đồng hương tỵ nạn Việt Nam của chúng ta như làm cỏ, dọn vườn, khuân vác, rửa xe, chặt cây...những việc phải dùng sức mà đồng tiền kiếm được quá ít ỏi, người Mễ vẫn chịu khó làm. Kinh tế Mỹ phồn thịnh cũng nhờ khối lượng nhân công người Mễ di dân trong các công tác xây dựng hạ tầng và những công việc cần sức lao động cơ bản.

Nước Mỹ đại cường quốc về kinh tế và quân sự, giàu có nhất thế giới đã làm được gì, nếu không có một nước Mexico ở bên cạnh, và dù trên lý thuyết vẫn phong tỏa biên giới không cho người Mễ trốn lậu sang sinh sống ở trên đất Mỹ, nhưng có lẽ lâu lâu cũng làm ngơ cho thêm hằng năm một số người vào đây gánh vác cho người Mỹ da trắng một số công việc nặng nề lam lũ mà dân bản xứ không gánh vác nỗi. Ví thử một buổi sáng tinh mơ kia, thức dậy trên đất cờ hoa này, không tìm thấy một người Mễ nào, thì nước Mỹ sẽ ra sao đây. Đó là gợi ý của một cuốn phim do Hollywood dàn dựng cuốn: “A Day Without A Mexican”.

Thử tưởng tượng lúc ấy đường phố sẽ ngập rác rến, chợ sẽ không còn rau quả, cá thịt hay bánh kẹo, các công trình xây dựng bỏ dở dang, các em bé sẽ không có sữa uống, các tiệm fast food sẽ đóng cửa. Lúc ấy, ông Thống Đốc phải cởi trần cắt cỏ trong vườn, bà Thị Trưởng phải leo thang sửa lại mái nhà.

Ngay cả trong đám đồng hương người Việt chúng ta tiệm ăn cũng thiếu bồi bàn hay người lau dọn, ngay cả những tiệm bán thức ăn dân tộc, bánh cuốn cũng không còn người tráng, ở tiệm phở không còn người ngồi nhặt rau, xắt hành. Ngành xây cất là một nghề có số doanh thu cao nhất nhì nước Mỹ sẽ tê liệt hoàn toàn; nông nghiệp tiêu điều vì hoa quả, rau cải vàng úa trên đồng; mùa dâu tới không ai hái, nho chín dể rụng trong những vùng đất khô cằn, những nhà máy sản xuất sẽ không còn nhả khói.

Lúc ấy, người ta sẽ đem máy phóng thanh ra tận biên giới, dùng  người thạo tiếng Tây Ban Nha, chõ mồm qua biên giới mời gọi người Mễ hãy mau mau nhập cư vào Hoa Kỳ một cách vô điều kiện, có tiền thưởng lẫn tháng lương mười ba. Người ta khinh dân Mễ ít học, ù lì, khinh ra mặt, những chính những người Mễ này đã làm giàu cho từng ông chủ, từng công ty và cho cả nước Mỹ vĩ đại. Thế mà người Mỹ hay thậm chí cả những người Việt nam đến Mỹ từ bên kia nửa vòng trái đất vẫn coi thường, không nói là khinh miệt dân Mễ.

Thượng Đế trót sinh ra dân tộc Mexico thô tháp, vóc dáng nặng nề, đầu óc thiển cận, kiểu ”ăn no vác nặng, vai u thịt bắp” như các cụ đồ nho ngày xưa của chúng ta vẫn thường buột miệng khinh bạc. Theo các cụ thì những người nho nhã, móng tay để dài, cái quạt phe phẩy mới là người có học, văn nhân trí thức.

Đây chính là những người Mễ chính thống, cũng như người da đỏ trên đất Bắc Mỹ, còn như loại dân Mễ trắng da dài tóc, môi hồng mắt ướt thì y như mười người như một, không con cháu chính giòng Tây Ban Nha thì cũng rơi rớt, kết hợp giữa dân tộc bị trị và bọn xâm lược từ Âu Châu đến. Tập đoàn cai trị này đã đồng hóa, tiêu diệt cả ngôn ngữ, làm cho dân tộc này thành một thứ phó bản Tây Ban Nha qua tôn giáo và ngôn ngữ.

Tôi thương những người Mễ bán hoa bên vệ đường chiều nay. Trong khi chúng ta hầu hết đã về đến nhà quây quần với người thân trong bữa cơm chiều thịnh soạn trước ngày Giáng Sinh, thì người Mễ đó vẫn chạy lên chạy xuống, với những bó hoa dơ cao mời khách qua đường. Những người mẹ, người vợ bên kia biên giới chỉ cách có vài giờ xe. Tôi nhớ đến câu hát “Xuân này con không về...”

Ôi, có những người suốt một cuộc đời lận đận vì cơm áo, không một phút ngơi nghỉ để nhặt những đồng tiền nuôi lấy bản thân, nuôi mẹ nuôi em. Có một lúc nào đó, tôi tư hỏi thầm, có lẽ những người Mễ kia chưa bao giờ biết buồn cũng như chưa hề biết khóc, trừ lúc mới lọt lòng mẹ có oa oa mấy tiếng chào đời cho phải lẽ như những con người trên trái đất này...

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét