Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

BUỔI MAI HÔM ẤY - Huy Phương

 Viết bài văn ngắn ghi lại ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng  lần đầu tiên - Viết đoạn văn ngắn ghi lại ấn tượng của em trong ngày

 “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh...” Phải rồi ngày ấy đã xa. Trong chúng ta không ai không có một kỷ niệm của buổi tựu trường và những ngày thơ ấu, tuổi học trò. Nhưng câu văn đầy nhạc, dịu dàng như thơ, trích từ những trang sách của Thanh Tịnh mà trong chúng ta, ai cũng thuộc nằm lòng. Rồi mẩu chuyện “ngày khai trường” trong tập sách “Tâm Hồn Cao Thượng” của nhà giáo Hà Mai Anh dịch từ Edmond de Amicis, mà những người cao niên ngày nay vẫn còn nhớ: “Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay mẹ tôi đưa tôi vào trường Ba-Lệ-Tư để ghi tên lên lớp Ba.” Hay lên những lớp trung học với những trang sách của Anatole France, nói về mùa tựu trường: “Je vais vous dire, ceux que me rappellent tous les ans...” để chúng ta không quên, bên trời tây, cậu bé học trò, vai mang cặp sách, tung tăng đi qua khu vườn Luxembourg khi những ngọn lá vàng rơi trên vai những pho tượng trắng.

<!>

Ở quê nhà ngày trước, tôi là một trong những cậu học trò nhà quê vào thời chiến tranh mà cha tôi phải lui về quê nội, mặc áo bỏ ra ngoài quần đùi, chân đất, đến trường với một ngòi bút “lá tre” và cái bình “godet” (bình mực) mang lủng lẳng trên tay. Đặc biệt những cuốn tập là những tờ giấy người ta đã viết một mặt, cha tôi gập đôi lại, cho phần chưa viết chữ ra ngoài để chép bài vở. Mỗi buổi đi học về là mực tím vây bẩn đầy tay, ai cũng biết mình là học trò. Mực thời ấy là mực viên, khi dùng phải hòa với nước. Từ đó cho tới khi dùng được cây bút máy phải mười năm. Bạn còn nhớ không những cái bàn dài chúng ta ngồi học, mỗi bàn cho bốn hay năm học trò, ở chỗ mỗi người đều có một rãnh dài để bút thước và một cái lỗ tròn đục thủng để cho chúng ta bỏ bình mực. Ôi những tập vở luôn luôn có mực dính và quăn ở các góc của những chàng học trò bê bối.

Những năm về sau, thời thế đã đổi thay, những ngày chuẩn bị đến trường, được mẹ may cho bộ áo quần mới, được mua những cuốn tập mới, hãnh diện, cặm cụi lấy tờ báo có tranh ảnh màu bao lại từng cuốn một, nắn nót đề tên, lớp và môn học trên những cái nhãn tập (étiquettes).Từ đó để đi đến những ngày có được một cái cặp da thuộc màu vàng, trong đó có cái áo mưa bằng “nylon” xếp lại, mang một đôi “xăn đan” rọ heo, rồi lớn phổng để leo lên một cái xe đạp “giàng” (loại xe đạp có thanh ngang danh cho nam giới). Suốt trong mười năm, biết bao nhiêu cuộc đổi đời thú vị. So lại những thời thơ ấu của ông cha, trẻ em bây giờ sung sướng biết bao!

Khi còn là một học sinh lớp nhì, tôi có một người bạn thân ngồi cạnh, có tài ngâm thơ, nên những giờ học thuộc lòng, thầy vẫn bắt anh ngâm những câu lục bát cho cả lớp cùng nghe. Nhưng vào mùa tựu trường năm sau, lên lớp nhất, tôi không còn gặp lại người bạn cũ. Hỏi người quen thì mùa hè năm ấy bạn tôi về quê, bị bệnh dịch tả và đột ngột qua đời. Tôi buồn ngơ ngẩn suốt mấy tuần, và vào cái tuổi ấy, tôi cũng chưa biết tự hỏi vì sao ở đời, người ta sống chết, mất còn dễ dàng như vậy. Thời lên trung học, có một cô bạn cùng lớp vẫn thường mượn sách truyện của tôi để đọc. Mùa tựu trường năm ấy, trong lớp mới, tôi thấy vắng cô. Đến nhà thăm, người nhà đưa trả tôi tập truyện cô mượn tôi đã lâu và nói rằng cô đã đi lấy chồng hai tháng trước. Tôi rất buồn và nắm chặt cuốn sách trong tay, nghĩ sao cô vô tình đến như thế, trong lòng mang một chút tiếc nuối bâng quơ, mặc dầu những ngày đó, tôi chưa hề biết yêu là gì, vì lòng còn trong trắng quá. Điều này làm tôi lại nhớ đến những hoàn cảnh ly biệt như câu nói của thầy giáo cũ của An-Di trong niên học mới vào ngày tựu trường: “An-Di ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?”

Cho nên mỗi năm, mùa tựu trường như là những báo hiệu cho một cuộc đổi thay, mất mát lớn trong cuộc đời. Nó không biểu hiện cho sự tái ngộ, sum họp nữa mà để nhắc tới sự chia lìa, ly biệt. Ngày xưa có người được mẹ đưa đến trường, rồi lớn lên chúng ta đưa con vào lớp học, bây giờ cũng có những vị nội ngoại tóc đã bạc phơ cầm tay giắt cháu trong buổi tựu trường. Thời gian đi quá nhanh, mới đó mà vèo đi những tháng ngày, của đôi khi, hơn nửa thế kỷ đã qua. Rồi trong chúng ta, ai cũng có một mùa hè cuối cùng của thời học sinh. Vào mùa thu sau đó, có người bỏ học ra đời, có người bỏ học để vào quân ngũ, và cũng có người như cô bạn thời niên thiếu của tôi, bỏ học để ... sang ngang. Trong cuộc đời, chúng ta ai cũng có một mùa hè cuối cùng, để rồi trong mùa thu tới, chỉ còn đất cát cùng hư vô.

Hạnh phúc thay là những ngày ngồi trên ghế nhà trường. Khi tôi phải bỏ học để ra đời sớm, tôi vẫn thường nằm mơ thấy mình về ngồi trong lớp học ấy, với bạn bè và thầy giáo của những ngày tháng cũ. Đó là tuổi học trò, tuổi hoa niên, tuổi thanh xuân, tuổi thần tiên, tuổi kẹp tóc, tuổi ô mai... thứ tuổi quí giá nhất của một đời người, mà ngày nay như giòng sông cũ đã trôi đi biền biệt.

Vậy mà đời nay có những đứa trẻ không hề có thứ tuổi ấy bao giờ. Hiến pháp của nhiều nước nghèo đói, lạc hậu trên quả đất này bao giờ cũng có ghi vấn đề cưỡng bách giáo dục, nhưng cơm không có ăn, áo quần không có mặc, gia đình ở trong những căn nhà đóng bằng những tấm ván thùng ngay trên nghĩa địa thì lấy  đâu ra cái “buổi mai hôm ấy....”. Đời cha thất học kiếm cơm ven sông rạch, đời con không được đến trường, hằng ngày đi lang thang từ những đống rác này qua những đống rác khác để tìm cho đủ bữa cơm, lấy đâu có những “buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh”.

Chúng ta chưa quên nước Nga đã có một mùa tựu trường đẫm máu vào ngày ngày 1 tháng 9 năm ngoái, khi quân du kích Chechnya tấn công một ngôi trường ở thành phố Beslan, bắt tất cả học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh làm con tin để làm áp lực chính trị với chính phủ Nga. Sau cuộc thương thuyết bất thành, quân đội chính phủ đã tấn công vào trường học, loạn quân đã bị thanh toán, nhưng kết quả hơn một nửa trong số 300 người hiện diện tại trường học, gồm cả những em học sinh vô tội đã bị giết chết!

Nhìn lại đất nước Hoa Kỳ, cơn bão Katrina trong vùng vịnh Mexico năm nay đã thổi tan đi niềm vui tựu trường của những đứa trẻ ở nhiều thành phố tại đây. Bây giờ, sau lễ Lao Động, trường còn ngập nước, trốc mái, sách vở hóa thành bùn đất, thầy cô, bạn bè chia lìa, tan tác, kẻ mất người còn, những đổ vỡ không biết bao giờ mới hàn gắn lại được.

Nhiều niềm hạnh phúc thật đơn giản nhưng không phải trên đời này ai cũng có được như ai.

(Mùa tựu trường 2005)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét