Pages

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

KHỔ NẠN ĐÁM CƯỚI - Huy Phương

Văn mẫu: miêu tả đám cưới bằng tiếng Trung - THANHMAIHSK 

Trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, các nghi thức về hôn lễ tại gia đình được cử hành khá chu đáo, nghiêm trang tại nhà cô dâu (nhà gái) vào buổi sáng ngày hôn lễ gồm các phần nạp lễ, giới thiệu bà con hai bên, trình diện cô dâu, vái gia tiên, trao quà cho cô dâu và sau đó là một buổi tiệc nhỏ đãi hai gia đình do nhà gái phụ trách. Nghi lễ này dù có thay đổi đôi chút nhưng vẫn theo truyền thống văn hóa Việt Nam. Nhưng tối đến, trong buổi tiệc khoản đãi hai họ, bạn bè mà ta thường gọi là “tiệc cưới” thì được tổ chức một cách rất là loạn xạ, lai căng, nửa Tàu, nửa Tây và chỉ còn chút ít còn lại là văn hóa Việt Nam. 

<!>

Nhập tiệc, ký tên lưu niệm, chụp ảnh với cô dâu chú rể (Tây), đãi món ăn  (Tàu), chào bàn (Việt - thay cho việc cha mẹ dẫn cô dâu chú rể đi giới thiệu với họ hàng), cắt bánh, mở champagne (Tây), khiêu vũ (Tây). Chuyện cử hành hôn lễ tại tư gia là chuyện riêng tư giữa một nhóm người thân thuộc, nhưng buổi tiệc tại nhà hàng thường là vài trăm người, đối với những danh gia vọng tộc, ca sĩ nổi danh thì số thực khách có thể tới con số nghìn.

Đã đành rằng “ai chê đám cưới, ai cười đám ma”, nhưng trong cộng đồng người Việt chúng ta bây giờ, quả thật đi dự tiệc đám cưới tại các nhà hàng  là một khổ nạn.

  ... Không đi trễ không phải Việt Nam: Thiệp mời ghi 6 giờ tối, đi 7 giờ tưởng đã quá trễ, đến 8 giờ 30 mới thấy tiếng ọ ẹ trong micro. Không biết ai đã nói cái câu trứ danh “không ăn đậu không phải Mễ .., không đi trễ không phải Việt Nam” này. Nó thành một thói quen không ai chê trách, vì ai cũng như ai, sợ đi sớm người ta nói tham ăn chăng? Có ai dám khai mạc một tiệc cưới mà số thực khách ngồi chưa đầy kín các bàn. Một là lỗ vốn, hai là khách đến trễ sẽ bỏ ra về. Khách không cần chủ, nhưng chủ quả tình rất cần khách trong trường hợp này. Vậy chiều nào đi ăn đám cưới xin nhớ dằn bụng trước khi đi một tô mì hai cua cho nó chắc, khỏi lo đói. Có gặp anh bạn ngoại quốc nào thì nhớ dặn “thiệp mời ghi 6 giờ, nhưng gần 8 giờ ông tới là vừa”. Nếu khách có thắc mắc thì xin hạ giọng: “Sorry, đó là thói quen Việt Nam”. Thói quen cũng nghĩa là văn hóa.

– Giới thiệu bà con hai họ : Nếu muốn cho hai bên biết nhau, thì buổi sáng trong lúc làm lễ ở nhà đã giới thiệu rồi. Nếu muốn giới thiệu quan khách, thì chỉ cần giới thiệu cho cô dâu chú rể biết khi cha mẹ dẫn đi chào bàn. Đã khai mạc trễ rồi mà còn “dây khoai giải muống”, giới thiệu họ hàng từng lô từng lốc, có gia đình lại kèm theo địa vị nữa, mất hàng mười lăm phút, thật khổ cho thực khách. Nhiều đám cưới lại sắp cho bàn cô dâu chú rể cùng các phụ dâu rể ngồi trên bàn cao trịch thượng nhìn xuống quan khách cùng cha mẹ, điều này không có gì là văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa Việt Nam trong tiệc cưới dâu rể phải đứng hầu cha mẹ hai bên và chào đón quan khách.

– Tiệc cưới Việt, nhà hàng, thức ăn Tàu: Là người Việt Nam, nhưng chúng ta đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa Trung Hoa, rõ nét là cái ăn cái uống. Thử hỏi có ai dám mở một buổi tiệc cưới mà đãi bà con, bạn bè bằng những món ăn thuần túy Việt Nam? Món ăn Việt nam ngon không kém món ăn Tàu, có khi lại đắt hơn món ăn Tàu, lại ít bột ngọt, mỡ màng hơn, nhưng nếu đãi tiệc cưới bằng món ăn Việt làm sao cho khỏi bị chê là bủn xỉn, hà tiện, lập dị. Vả lại những nhà hàng Việt tại đây không có  mục đích và chuẩn bị cho các tiệc cưới, nên thường là những nhà hàng nhỏ không đủ chỗ ngồi, không có sân khấu, sàn nhảy  ...

Vì vậy biết bao nhiêu nhà hàng Tàu được mở ra, Seafood này Seafood nọ, đều sống nhờ, sống mạnh vào các buổi tiệc cưới cuối tuần, không có một nhà hàng nào bỏ trống hay phải đóng cửa. Tiệc cưới phải đặt trước một năm hay tám tháng. Dù cha mẹ có chọn được ngày lành tháng tốt thì cũng phải được các chú Ba chủ nhà hàng chuẩn phê đồng ý, thì may ra đôi trẻ mới có cơ duyên thành vợ thành chồng được. Do vậy giá cả của các nhà hàng càng ngày càng tăng theo giá cắt cổ, các nhà hàng liên kết giữ một giá không chênh lệch nhau bao xa, khách đuổi đi không hết thì lấy đâu mà “cò kè bớt một thêm hai”. Trước kia một thực khách bình thường bỏ bì tặng $ 50.00, đôi uyên ương còn dư chút tiền “còm” đi hưởng tuần trăng mật, ngày nay giá cả leo thang, nếu không có số tiền mừng trong gia tộc bù lại, coi như lỗ vốn. Do đó các cô dâu, chú rể “thương thì nhờ, ghét thì chịu” giá nào cũng phải chấp nhận. Không lẽ tới đó, trước mắt cô vợ chưa cưới ... mà còn chê mắc chê rẻ. Do đó từ áo quần dâu rể đến ban nhạc sống, quay phim, chụp ảnh đều phải theo một cái giá “một đời một lần” ... 

Thực đơn các nhà hàng Tàu không khác nhau mấy, cũng chỉ đi lại những món như là xúp măng cua, bát bửu, bánh bao vịt quay Bắc Kinh, tôm hùm xào hành ... chỉ nghe tới đã lo sợ cholesterol lên cao, bị cứng, xơ động mạch, bị stroke ... Mỗi tuần mà được “chiêu đãi” vài lần tiệc cưới thì chỉ có mà thác sớm, hoặc có cơ bankruptcy.

  Bị tra tấn bởi M.C. và ban nhạc sống : Đi dự tiệc đám cưới, nếu chẳng may được xếp ngồi gần cái loa phóng thanh có công suất cao thì coi như đêm đó về mất ngủ vì các giây thần kinh đã căng thẳng tới độ gần đứt đoạn. Ở đây, vì công việc làm ăn, chúng ta chỉ gặp bạn bè, bà con trong những dịp cưới hỏi như thế này, nhưng ngồi với nhau, ai cũng hét lớn, hoặc miệng kề sát tai, may ra mới nghe nhau được. Thần kinh mặt co giãn quá độ vì đôi lần gặp phải các anh chàng tốt nghiệp trường lớp “M.C. Đám Cưới” vừa vô duyên vừa nham nhở, gọi bà này mập, ông kia gầy như que tăm và kể những chuyện khó mà cù cho ra cười. Các ca sĩ hở lưng, hở ngực, không ai yêu cầu cũng hát liên tiếp hai ba bài, nào tình dang dở, nào tình phụ với một giọng “hét” ở octave cao.      

Ban nhạc trình diễn chỉ chiếm khoảng 30% thời gian của buổi tiệc cưới , nhưng không có thì không đủ bộ. Mấy ai muốn cách mạng để thuê một ban nhạc “One Man Band” chỉ chơi nhạc nhẹ, hoặc chỉ với một cây vĩ cầm, một dương cầm trên sân khấu. Thơ mộng, trữ tình và đẹp biết bao. Ban nhạc sống rầm rộ với năm bảy nhạc công, hấp dẫn đến đỗi khi cô dâu chú rể loan báo bắt đầu đi chào bàn thì qyan khách ai cũng thở dài nhẹ nhõm. Nhiều tiệc cưới có các ca sĩ nổi tiếng tham dự khi được mời lên hát, thì M.C. lần lữa để cho các ca sĩ nhà hát xong mới chịu nhường máy. Như vậy, ai cũng sợ ban nhạc, nhưng khi tổ chức đám cưới ai cũng mời cho được một ban nhạc, ai cũng theo lối mòn, “người ta sao mình vậy”,” một đời một lần”, nghe qua rồi bỏ.

– Sáng kiến càng nhiều, khổ ðau càng lắm: Nhiều gia chủ lại có sáng kiến chiếu “slide show”, giữa buổi tiệc, tạm ngưng ăn, đèn đuốc tắt phụt, trên màn ảnh hiện lên chú rể cô dâu cái thời thơ ấu, mặc quần thủng đáy, mũi chảy lò thò  đang vọc cát hay chơi với chó mèo. Rồi qua từng thời kỳ với nhiều tấm ảnh, chúng lớn lên, đi học, tốt nghiệp ra trường với mũ áo xênh xang, cha mẹ hai bên cũng hãnh diện đứng chung, “coi người hớn hở, gặp cậu Thu đi ở giữa đường “. Có bậc cha mẹ nhân đám cưới con lại dùng “entre-acte” để ra mắt sách của mình mới in, thế có khổ cho bàn dân thiên hạ không chứ? Có thứ tra tấn nào dịu dàng êm ái hơn như thế!

– Eo hẹp túi tiền: Càng giao du rộng, làm thương mãi, tham gia hội đoàn này ái hữu nọ, lại sống lâu ra lão làng trong cộng đồng với nhau, mỗi tháng nhận năm bảy  thiệp mời tham dự tiệc cưới là chuyện thường tình. Cũng không trách, có vay có trả, ngày trước con mình làm đám cưới năm bảy đứa, gặp ai cũng mời, mời đông cho con dâu, rể nó khỏi buồn. Bây giờ phải đi đáp lễ mệt nghỉ. Ngân khoản gia đình, tiền điện nước, tiền xăng, tiền trả góp xe gom lại nhiều khi không cao hơn tiền bỏ phong bì đám cưới. Mặt khác, tiệc cưới chỉ nên mời trong chỗ thân tình có đi lại, còn như sơ giao thì nên miễn. Chỉ vì chúng ta muốn mời cho đông, năm bảy chục bàn thì đám cưới mới lớn, mới sang, vì vậy có người mới gặp hôm qua do bạn bè giới thiệu, hôm sau đã có cái thiệp cưới gởi đến nhà ! Đôi người thổ lộ cũng vì con, gặp một người bạn mới quen đã vội gởi một cái thiệp cưới, người ấy không trả lời, vì chẳng nhớ mình là ai?

Trong tiệc cưới của bạn chung, nhiều khi chúng ta gặp gỡ những người bạn ở xa đến từ các tiểu bang khác, cũng có khi gặp những người cũ từ thuở ấu thơ, đó là những điều ớ xứ người rất ít có cơ hội. Bỏ một số tiền, coi như cuối tuần vợ chồng đi ăn ngoài, gặp thân thuộc, bạn bè, kể cũng thú vị ... Nhưng quả là tiệc cưới là một khổ nạn vì đi dự đám cưới quí Bà phải gội đầu, làm tóc, trang điểm, sơn móng tay, đeo nữ trang, mặc áo mới ... Toàn dân phải chịu đựng các món ăn dầu mỡ,  phải đợi chờ,  phải bị tra tấn bởi một ban nhạc ồn ào, những M.C. vô duyên và những ca sĩ la hét cùng những sáng kiến khoe khoang nhàm chán của hai họ? Khổ nạn! Khổ nạn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét