Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

CHUYỆN ÔNG GIÀ LÁI XE - Huy Phương

Một ông già nổi tiếng về lái xe khắp nước Mỹ trong tuần trước là ông George Russell Weller. Ở đầu con đường vào khu chợ nông sản ở Santa Monica – California, ông Weller, 86 tuổi đã nhấn ga chiếc xe Buick của ông lên tới 60 dặm/giờ và chạy thẳng vào khu chợ, cán nát và hất tung đám đông đang đi mua bán ở đây, làm cho mười người chết và gần năm chục người bị thương. Ông Weller  thú nhận là thay vì đạp thắng cho xe dừng lại, ông đã nhấn chân ga. Mặc dầu bằng lái của ông không hề bị tỳ vết, cảnh sát cũng đã tịch thu bằng lái của ông. Nếu ông là người có tài sản, lần này chắc ông phải sạt nghiệp vì con số tổn thất ông đã gây ra lên quá cao. 

<!>

Một tuần sau, ở phía đông nước Mỹ, tại Florida, một ông già khác, không bà con gì với ông Weller ở California là ông Louis Nirenstein, trẻ hơn ông già ở California 7 tuổi, đã chạy tuôn chiếc xe Crown Victoria Wagon của ông vào một khu chợ - cũng bán nông sản – tại Flagler Beach, Florida. Ông già này không cán chết ai, chỉ làm bị thương sơ sơ sáu người. Ông già này lại là một người bại liệt phải ngồi xe lăn (khi không lái xe), nhưng ông nói rằng tai nạn gây ra vì chân thắng của ông bị kẹt mà thôi. Ai liên hệ so sánh với ông già nọ ở California là “hơi ép cho ông” (unfair), và cái này là do “sự cố kỹ thuật”,  có một lúc nào đó cái xe trục trặc của người khác cũng gây tai nạn cho họ vậy thôi!

Nếu trí nhớ không lầm của chúng tôi thì trong vòng hai năm trở lại đây, tại California cũng có hai trường hợp ông bà già trên 70 tuổi chạy xe đâm thẳng vào cửa tiệm thay vì đậu xe ở parking lot và đi bộ vào.

Câu chuyện trên đây của những cụ già đã khiến cho nhiều người lo ngại về những ông bà già lái xe trên đường và chính quyền cũng đang đặt lại vấn đề những người già lái xe, bao nhiêu tuổi là hạn tuổi lái xe, và lúc nào là lúc cần thi lại bằng lái xe. Chính quyền đã nêu lên con số có 2,494 người già lái xe đã bị chết trong các tai nạn trên toàn quốc từ năm 1991. Con số này đã gia tăng lên 3,164 người già trong năm 2001.

Trong những năm qua, người ta thấy người già càng lái xe càng đông và gây tai nạn càng ngày càng nhiều. Chỉ trong năm 2001, ở Florida có 268 ông bà già qua đời trong 564 tai nạn liên hệ tới lái xe, Texas đứng hạng nhì với 254 người trong 370 tai nạn, California đứng hạng ba với 224 người trong 362 tai nạn. Ngoài việc coi lại bằng lái xe của quí cụ ông, cụ bà, các Nha Lộ Vận còn cố gắng kẻ bảng chỉ đường rõ hơn, chữ lớn hơn, sáng sủa hơn, kẻ các lane đường rõ hơn và để các bảng vẽ dấu hiệu trước khi tới các ngã ba, ngã tư đường để các người phản ứng chậm có thể nhìn trước để quyết định đường đi.

Từ những năm 1945-46 sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, các chiến binh Hoa Kỳ trở về nhà (tân thú bất như viễn quy – vợ chồng mới cưới không bằng đi xa mới về) đã sản xuất hàng loạt đứa trẻ, ngày nay đã là những ông bà cụ sắp tới tuổi lục tuần. Chỉ cần năm bảy năm nữa thì các ông bà cụ “baby boomers” này đã lủ khủ đầy khắp nước Mỹ, là một vấn đề lớn các loại an sinh xã hội, trong đó người ta cũng đặt vấn đề tới chuyện các ông bà  này “đạp chân ga thay vì đạp thắng”, “kẹt chân thắng” hay nhiều vị cao niên lại lên cơn đau tim, bị stroke khi đang lái xe trên xa lộ hay “lẩm cẩm”, “lạng quạng” như các bạn trẻ thường lên án ông bà ngoại, ông bà nội ở nhà khi có chuyện bất bình ...

Trong cộng đồng Việt Nam, mười năm trôi qua những “ông H.O.” nay cũng tới tuổi từ 65 đến 80, nếu còn lái xe, cộng thêm vào số người già trên các con lộ của đất Hoa Kỳ này. Lúc đó chúng ta cũng nên coi chừng trên các con đường Bolsa ở Nam Cali, hay con đường Tully - King ở Bắc Cali khi gặp quí ông H.O. đang ngồi trước tay lái. Các ông bà già trên 70 mà còn phải lái xe là chuyện bất đắc dĩ phải làm, vì hai lý do:

1) Không ai giúp đỡ trong việc đi lại,

2) Trong thành phố không có phương tiện chuyên chở công cộng rẻ tiền như xe buýt, tàu điện ngầm.

Điều đó rất dễ nhận ra, khi chúng ta thấy tỷ lệ người Mỹ già lái xe trên đường phố nhiều hơn số người Việt, vì các gia đình Việt Nam có văn hóa đùm bọc, cha mẹ sống chung với con cái và có trách nhiệm với cha mẹ hơn người bản xứ  hay các nước tây phương. Ở các thành phố lớn trên thế giới như Paris, New York, Philadelphia hay Tokyo ...  thì người ta bước ra khỏi nhà năm bảy bước là đã tới trạm xe bus, metro cần gì phải lái xe cho nhọc công, tốn kém và nguy hiểm.

Người ta không thể cấm các ông bà cụ lái xe, vì cấm thì các ông bà cụ “neo đơn” ở Mỹ lấy ai lái giúp, nhất là các cụ disabled thì tự lái xe từ nhà coi bộ còn dễ hơn là leo lên một chuyến xe bus hoặc chui xuống hầm tàu điện ngầm để đi lại. Chúng ta cũng không thể hạn chế số tuổi để cấm các cụ lái xe, vì trong địa hạt nọ thì các cụ thua bọn trẻ là phải cần đến viên thuốc lục giác viagara, nhưng địa hạt lái xe này thì chưa chắc ai đã hơn ai, vì lâu nay thiếu gì tai nạn xe cộ do bọn trẻ gây ra nhất là gần đây trong các tai nạn đua xe. Cái đó phải tùy vào sự minh mẫn và phản ứng của người lái xe, mà điều này không lệ thuộc tuổi tác.

 Việc ở Mỹ thiếu phương tiện công cộng đi lại đã làm cho nhiều người bà con chúng ta ở ngoại quốc về đây chơi đều than phiền “đến chơi ở đây, cái khổ nhất là chờ người thân đem xe tới đưa rước, chẳng bằng bên tôi, bước chân ra đường là đã có phương tiện công cộng đi lại”. Nhưng ở nước Mỹ này, nếu vì lợi ích quốc dân, chính phủ làm thật nhiều phương tiện cộng cộng rẻ tiền phục vụ dân chúng như mua thêm nhiều xe bus, đào đường hầm mở metro, mở thêm các tuyến đường xe lửa thì thiếu gì những anh tư bản sản xuất xe hơi không bằng lòng. Phương tiện đi lại rẻ tiền có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, thì dealer xe hơi phải dẹp tiệm, phụ tùng xe hay xăng nhớt cũng bị ảnh hưởng, các hãng bảo hiểm phải chuyển nghề ... mà trong địa hạt này những tay tư bản sẵn sàng mua nghị viên, dân biểu, nghị sĩ ... gật giúp  để đất nước càng ít phương tiện công cộng càng hay.

Nói đến chuyện ông già lái xe khiến chúng ta nghĩ đem câu than thân trách phận của những người di dân mới đến Mỹ: “không nói và nghe được tiếng Anh coi như câm điếc, bây giờ không biết lái xe coi như què”. Nhiều ông bà cụ của mình ở vị thế “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó”, chờ suốt tuần để dược con cái chở đi chợ, đi chùa hay thăm viếng bạn bè. Cũng vì không lái xe được, mà nhiều ông bà cụ phải đi dự đám cưới, ma chay hai người, một người đi và một người lái. Lên xe bus thì không biết tuyến đường, không biết kêu tài xế dừng cũng như không biết hỏi đường ai khi bị lạc.

 Chuyện “người già lái xe” làm cho tác giả bài này nhớ lại một câu chuyện về người cha rất cảm động do chính những đứa con vừa khóc vừa kể lại trong ngày cử hành tang lễ tiễn đưa cha: “Nhà văn Đặng Trần Huân lúc sinh thời, chỉ biết lái xe trong những đoạn đường gần và không dám lái vào thành phố đông đúc hay ra xa lộ, vì khi sang Mỹ ông đã gần 65 tuổi. Trong thời gian ông bị ung thư gan, ông phải lui tới bệnh viện nhiều lần để làm “chemotherapy”, ông được con cái chở đi bệnh viện nhiều lần, nhưng về sau, thương con phải bỏ công ăn việc làm, xin phép ở công sở để đưa ông đi, ông dấu hẳn con mỗi lần ông có hẹn với bệnh viện điều trị. Từ nhà ông ở West Covina đến thành phố Los Angeles, ông phải đổi ít nhất bốn chuyến xe bus. Ông lo dậy thật sớm và nhiều khi tối mịt mới vế đến nhà, khi về đến nhà ông đã như gần kiệt sức.”

Mong rằng trên đường phố, người ta càng ngày càng ít thấy những ông bà cụ già Việt Nam lái xe, và mong rằng những đứa con Việt Nam dành thời giờ cho cha mẹ nhiều hơn, không như những đứa con của những ông già cô đơn “thay vì đạp thắng lại nhấn chân ga” như ở trên.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét