Pages

Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

CHIẾC CÒNG ĐIỆN TỬ - Huy Phương

 

Để theo dõi những tên tội phạm nguy hiểm vừa được thả ra tù, cảnh sát đã có những chiếc còng điện tử mang trên cổ chân những tên này để tiện bề theo dõi những hành tung của chúng ngoài xã hội, dù lên núi hay xuống biển, cũng không thoát khỏi sự kiểm soát tinh vi của cảnh sát. Hiện nay, thế giới có một thứ “còng điện tử“ khác mà người ta đeo nó một cách tự nguyện, đó là cái điện thoại cầm tay mà người ta gọi nó là cell phone, hand phone hay mobile phone... Trong các thành phố lớn, tỷ lệ số người tự nguyện mang “còng điện tử” này lên rất cao, có những gia đình mỗi người có một cái phone tay, đến nỗi người ta cắt luôn phone nhà và các phòng điện thoại đặt ở các ga xe lửa, tàu điện ngầm, trên phố xá, trước cửa các tiệm buôn dần dần rồi sẽ mất dạng luôn.

<!>

Ngày trước có khi người ta phải xếp hàng trước các buồng điện thoại này để chờ gọi cho được một cú phone. Trong các buổi lễ trọng đại, các cuộc tranh tài thể thao, hội nghị, ban tổ chức thường phải thiết lập một hệ thống điện thoại có trăm đường dây cho các phóng viên có thể liên lạc về với tòa báo hay cơ quan truyền thông của họ. Ngày nay với hệ thống cell phone hay laptop của computer, công việc liên lạc đã trở nên quá ư tiện lợi, dễ dàng.

Cũng nhờ cái phone cầm tay, có người bị kẹt trong thang máy, có người bị xe lăn xuống vực sâu nhờ đó mà thoát thân. Chúng ta cũng không quên ngày 9/11 đã có người dùng cell phone gọi cho người thân trong khi đang có không tặc khống chế phi hành đoàn trên máy bay hay đang gặp nguy hiểm từ trong ngọn tháp cao đang nổi lửa.

Mấy năm trước đây, khi cell phone mới phôi thai chưa tối tân lắm, tiếng điện theo reo còn đơn điệu, do vậy mà trông đám đông, có tiếng điện thoại reo là hai ba người cùng rút máy ra một lần. Ngày nay tối tân hơn, mỗi điện thoaị có cả vài chục âm thanh gọi khác nhau, người ta có thể “set” cho mỗi người gọi tới có mỗi tiếng reo khác nhau và hình người gọi hiện lên màn ảnh, để tùy ý chúng ta muốn trả lời hay không. Điện thoại còn chụp được ảnh, còn chơi được game, còn gởi được e-mail, có được biết bao nhiêu tiện nghi cho người ta xử dụng.

Nhưng với cái cell phone đã có hằng trăm thứ rắc rối, nợ đời xẩy ra và nó càng tiện nghi, nó càng gây phiền toái cho người mang nó không ít. Báo chí gần đây có đăng một câu chuyện hy hữu xẩy ra vì điện thoại cầm tay. Một ông nọ trong khi du dương với bồ nhí, không hiểu bất kỳ như ý thế nào mà nằm đè lên một cái nút, lại đúng là cái memory gọi thẳng vào điện thoại của vợ ở nhà. Thế là bao nhiêu lời âu yếm, du dương kể cả rên rỉ đều lọt vào tai vợ. Câu chuyện không biết hạ hồi phân giải thế nào, nhưng chắc chắn là ông nọ thề là không bao giờ đeo trong mình cái “còng điện tử” này nữa.

Bây giờ các hảng điện thoại thường có “family plan” giá rẻ để dành cho những người trong gia đình dùng chung một “account”, do vậy những cái điện thoại này giống nhau y chang. Có một lần, bà vợ dậy sớm đi làm quơ vội cái điện thoại để trên bàn giấy nhét vào túi xách. Ở sở trong khi đang thảo một bản phúc trình cho Ông Giám Đốc của mình, bỗng cái cell phone reo lên từng hồi, bà mở máy chưa kịp “hello” thì đầu giây bên kia, một giọng nói ngọt như đường phèn:

-“Tuấn đó hả, sao tối hôm qua gọi mãi mà không thấy cưng trả lời, bị “sư tử Hà Đông” trấn áp phải không?”

Bà vợ sững sờ, bối rối nhìn lại thì hóa ra sáng nay vội đi làm bà cầm nhầm cái “cell” của ông chồng. Thế 1à vì cái cell phone “cà chớn” mà gia đình này từ một trận 911 New York bùng nổ dữ dội đầy lửa khói, cho đến chiến tranh lạnh vẫn chưa chấm dứt. ID của người gọi cùng tên tuổi lại hiện lên rõ mồn một trong máy thì anh chồng cũng thôi hết đường chối cãi.

- Anh đi đâu mà gọi mãi từ sáng tới giờ không thấy trả lời?

- Anh bỏ quên điện thoại ngoài xe.

- Hello!  Anh đang ở đâu đó?

- Ở trong sở!

-Trong sở sao nghe tiếng nhạc ồn ào thế?

- Hello anh đang ở đâu đó?

- Đang ngồi uống cà phê với bạn?

- Quán cà phê sao nghe êm re vậy?

 Đó là chưa nói đến có khi còn nghe tiếng đàn bà léo nhéo đâu đó trong máy nữa mới chết chứ!

Đang lái xe trên xa lộ – điện thoại reo, đang hội họp nghiêm trang – điện thoại reo, đang giữa tang lễ sụt sùi – điện thoại reo, trong rạp chiếu phim đang đến hồi gay cấn – điện thoại reo. Ở giữa đám đông, trong tiệm phở, ở chỗ mua bán đông người, nhiều ông bà cứ nghĩ mình đang ở vườn sau, cứ oang oang hết chuyện này tới chuyện nọ, lâu lâu lại xem tiếng Anh, tiếng Mỹ để khoe tài, khoe công việc nữa mới khổ chứ. Thật là khổ nạn.

Đang nói chuyện với bạn bè mà tự nhiên chẳng nghe cái gì nữa, thì đúng là người ta đang dùng điện cell phone, nhất là cuối tuần, vì cuối tuần thì cell phone nói free! –“Xin lỗi mất signal!” Trăm lần như một.

Tai nạn lái xe thường xẩy ra là vì trong khi lái xe, nhiều bà đã tô môi, kẻ mắt, nhiều ông đã đọc báo, nhai bánh mì hoặc thậm chí khó tin nhưng có thật, có người đánh răng nữa (!). Bây giờ lại theo những con số thống kê, nói chuyện điện thoại trong khi lái xe, có thể gây nhiều tai nạn chết người không kém gì tai nạn uống rượu mà lái xe. Đang lái xe trên dường, mỗi khi qua các khúc ngoặt, thấy cái xe đằng trước, lúc quẹo trái quẹo phải, tay lái  có vẻ không ngọt cho lắm, thì y mười lần như một người lái đang áp sát cái cell phone vão tai mà mải mê đấu hót. Nhiều tiểu bang ra luật bắt người lái xe muốn điện thoại phải dùng ống nghe nhét tai hoặc headsets, nhưng theo một cuộc khảo sát của Nha Lộ Vận Na Uy thì khi người lái xe rảnh tay lại dùng điện thoại nhiều và càng dễ dàng gây tai nạn hơn. Thụy Điển lại tin rằng khi người ta dùng điện thoại mà rảnh tay, họ sẽ lái xe nhanh hơn và cuối cùng là thắng chậm hơn.

Nhưng bạn nghĩ sao, trước khi rời nhà đi làm hay đi chơi mà vội vàng bỏ quên cái điện thoại cầm tay ở nhà? Bạn sẽ quay xe lại lấy hay suốt ngày cứ cảm thấy như thiếu thốn một vật gì, một vật mà hiện nay thuộc loại “vật bất ly thân”, đó là “ cái còng điện tử”không hơn không kém!

Người xưa nói:”Không có gì là sướng nhất. Bây giờ có vợ khổ theo vợ, có con khổ theo con, có nhà khổ theo nhà, có xe khổ theo xe..” Biết cuộc đời khổ vậy mà thời đại này mà người ta đi đâu lại tình nguyện mang kè kè bên hông cái còng điện tử , nghĩ có thật khó hiểu không?

1 nhận xét:

  1. Bài đã đăng lại trên trang Trung tâm Văn Bút:
    Truyện ngắn: Bữa Ăn Một Mình - Huy Phương.
    https://saigonpick.com/2022/03/11/truyen-ngan-bu%cc%83a-an-mo%cc%a3t-minh-huy-phuong/
    Thân mến,
    Tôn Phi-chủ tịch Trung tâm Văn Bút Việt Nam.
    tonphi2021@gmail.com

    Trả lờiXóa